Giám sát quyền lực

Giám sát quyền lực
TP - “Nhiệm vụ nặng nề, và có nhiều nỗi lo” là tâm sự của ông Nguyễn Bá Thanh khi đề cập đến chức vụ Trưởng Ban Nội chính Trung ương vừa được Bộ Chính trị phân công. Còn với tân Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, thì là sự “mất ngủ”.

> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải để cán bộ sống được bằng tiền lương
> 'Chống tham nhũng không tới sẽ bị 'đánh trả'

Hơn bao giờ hết, lúc này niềm tin của dân phải được lấy lại sau quá nhiều mất mát, đổ vỡ.

Khi việc thực thi quyền lực nhà nước, sau một thời gian đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã dẫn đến nhiều việc tự tung tự tác, sai phạm nghiêm trọng. Khi công cuộc phòng và chống tham nhũng không thu được kết quả đáng kể.

Kỷ cương, luật pháp bị khinh nhờn. Tham nhũng, bạo lực gia tăng, oan sai còn nhiều. Khi nền kinh tế đã chất chồng khó khăn, doanh nghiệp và người dân lại phải cõng trên lưng quá nhiều “nhóm lợi ích” mà thực chất nhiều lúc có dấu hiệu “tham nhũng chính sách”, bắt tay xâu xé, chia chác quyền lợi vì lợi ích cục bộ, cá nhân ...

Chồng chất bao nhiêu vấn nạn, chằng chịt đường dây mối nhợ như vậy, không “khó” mới là lạ, khi nhận lãnh “thượng phương bảo kiếm” chấn chỉnh, kiểm soát và giám sát việc thực thi quyền lực tại hai lĩnh vực rường cột của đất nước. Nhiệm vụ càng nặng hơn, bởi kỳ vọng của người dân cả nước vẫn đang từng ngày trông chờ, gửi gắm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội mới đây, đề cập đến lý do tái lập lại hai Ban Nội chính và Kinh tế Trung ương, nói: “Đã sinh ra quyền lực thì phải có cơ quan giám sát quyền lực ấy”.

Nhìn vào quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hai Ban trên, có thể thấy không chỉ những nhiệm vụ được cụ thể hóa với phạm vi rộng hơn, mà quyền hạn, chức năng cũng được tăng cường hơn so với mô hình trước đây.

Vậy, đây phải chăng là dùng quyền lực để giám sát quyền lực? Câu trả lời là không phải, và không thể, cho dù quyền năng giám sát của các cơ quan ấy lớn tới đâu, lực lượng đông đảo cỡ nào.

Vấn đề không hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực cũng như ý chí cá nhân đơn lẻ để xử lý từng vụ việc đơn lẻ, mà phải tạo ra được hệ thống những cơ chế giám sát và công cụ kiểm soát mới mẻ, năng động, hiệu quả, sát sườn với những nóng bỏng bức thiết của thực tế đời sống, dân sinh.

Tham mưu, đề xuất, phản biện để cho ra đời được nhiều những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong đó quyền lợi của đất nước, nhân dân được đặt lên trên hết, đồng thời giám sát việc thực thi một cách lành mạnh những chính sách ấy, lúc đó tự khắc những cái xấu sẽ bị đẩy lùi.

Có cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, tất yếu phải có cơ chế giám sát. Để loại bỏ khuynh hướng lạm quyền, chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng … của những người đại diện công quyền đang thực thi quyền lực nhà nước.

Nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước luôn thuộc về nhân dân, vì nhân dân. Bởi vậy, không thể khác, quyền lực giám sát mạnh mẽ, lâu bền nhất chỉ có thể là lòng dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG