Giám sát lỏng

Giám sát lỏng
TP - Việt Nam đang có một cơ chế giám sát thủy điện không đầy đủ, gây ra những hệ lụy lâu dài , và tiếp diễn cảnh “mạnh ai nấy làm” mà không sao hãm phanh được.

Thủy điện và những hệ lụy - Bài 6:

Giám sát lỏng

>Cần chấm dứt thủy điện ăn theo
>Thủy điện: mạnh ai nấy làm

Từ chuyện thủy điện xả lũ

Cho đến nay, dân vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn vẫn không quên câu chuyện thủy điện A Vương xả lũ năm 2009 gây ngập trên một diện tích rộng lớn. Cty A Vương đã xả lũ gần hai ngày đêm bất chấp yêu cầu của tỉnh Quảng Nam là xả lũ trong bốn tiếng. Hậu quả là, ngay sau khi xả lũ, hơn 30.000 hộ dân huyện Đại Lộc - Quảng Nam bị chìm sâu trong nước. Theo điều tra sau đó, thủy điện A Vương đã xả xuống hạ lưu tổng cộng 149,3 triệu m3 nước, gấp hơn 10 lần thông tin báo với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trước đó. Không chỉ Đại Lộc, các huyện khác như Duy Xuyên, Quế Sơn, Hội An cũng bị ngập nặng trong một trận lũ chưa từng có.

Theo kỹ sư Hoàng Xuân Hồng, Hội Đập lớn & Phát triển Nguồn nước Việt Nam, trong một chuyến khảo sát thực tế, Hội nhận thấy việc vận hành đập thủy điện Hố Hô (tỉnh Hà Tĩnh) có vấn đề và đã có văn bản kiến nghị. Một năm sau đó, đúng như dự đoán, khi nước lũ tràn về, cửa van thoát nước của đập thủy điện Hố Hô đã không thể kéo lên, khiến nước bị tràn qua đập làm 12/22 xã hạ lưu sông Ngàn Sâu bị ngập.

Theo ông Đào Trọng Hưng, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), quá trình khảo sát độc lập các công trình thủy điện của VRN cho thấy hầu như nơi đâu cũng có chuyện bất cập quản lý vận hành công trình thủy điện mà nguyên nhân bắt đầu từ việc thiếu cơ chế giám sát vận hành chặt chẽ.

Dân phải là tai mắt

TS Đào Trọng Tứ, VRN, cho hay, giám sát phản biện bao giờ cũng được thực hiện qua bốn giai đoạn từ chuẩn bị đến thiết kế, thi công và vận hành. Ở giai đoạn thiết kế mặc dù là việc của cơ quan chuyên môn nhưng vẫn có tham vấn chung của cả cộng đồng, trong đó có các nhà khoa học, đặc biệt là với những công trình lớn. Sự giám sát đặc biệt cần thiết ở giai đoạn vận hành khi nhiều vấn đề có thể xảy ra.

Ông Đào Trọng Hưng kể rất nhiều hệ lụy gây ra bởi chính quá trình vận hành không được giám sát chặt chẽ như quá trình xả lũ, quá trình vận hành liên hồ, khiến cho nhiều dòng sông bị cạn, những làng tái định cư ngập chìm trong nước, môi trường bị phá hủy. Câu chuyện về thủy điện A Vương xả lũ làm hạ lưu Thu Bồn - Vu gia khốn đốn hay chuyện Đà Nẵng mất nước vì Danhim 4 chỉ là vài trong nhiều ví dụ.

Quá trình giám sát, phản biện các dự án thủy điện ở VN, theo ông Hưng, dường như chỉ tập trung ở giai đoạn phê duyệt dự án. Sau khi được phê duyệt, việc thiết kế, thi công và đặc biệt là vận hành gần như do chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện mà thiếu đi một sự giám sát chặt chẽ từ các bên liên quan. “Việc vận hành đang bị thả lỏng khiến cho ban quản lý các dự án mạnh ai nấy làm dù mới đây Chính phủ đã có quyết định về việc quá trình vận hành liên hồ”, ông Hưng nói.

Theo TS Tứ, việc giám sát, phản biện, bên cạnh các cơ quan chức năng cần có sự tham gia của cộng đồng địa phương bởi họ chính là người chịu ảnh hưởng trực tiếp của các dự án thủy điện. “Nên thành lập những tổ giám sát của dân, không ai hiểu rõ hơn và phản ánh kịp thời những bất cập như người dân”, ông Tứ nói.

Theo ông Hưng khi cái gốc của vấn đề là đầu tư thủy điện ồ ạt, tràn lan mà thiếu tính đến một chiến lược tổng thể, không có sự cân bằng giữa các nhóm lợi ích, không đổi mới cách giám sát, thì mong muốn giảm bớt những hệ lụy cho cái đã rồi vẫn còn xa vời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG