Đảm bảo an toàn quyền lợi của người gửi tiền
Liên quan đến vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, phó thủ tướng cho biết, sẽ kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặt biệt.
Củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém, không có khả năng phục hồi, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.
Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ là trưởng ban. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, giải quyết những vấn đề bất cập về pháp lý; tăng cường kiểm soát sở hữu chéo, ngăn ngừa thao túng, doanh nghiệp sân sau trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay bất động sản ở mức cao.
Tiếp tục rà soát dự án thua lỗ
Về cơ cấu lại DNNN và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, phó thủ tướng nhấn mạnh đến việc tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó sẽ hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2020 Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp.
Cùng với đó, sẽ rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.
Đối với các dự án phục hồi được, có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Ông Bình cũng cho hay, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
“Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao”, ông Bình nhấn mạnh.
Xử nghiêm hành vi bảo kê cát tặc
Liên quan đến việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng địa phương và các ngành chức năng chỉ đạo tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng “cát tặc” đang diễn ra ở nhiều nơi.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sẽ tạm dừng việc cấp phép các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa tận thu cát. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm hành vi “bảo kê”, tiếp tay cho cát tặc.