Sáng 8/2, kết luận tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sự kiện mừng năm mới như: Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội Hoa Xuân, đường sách… phải cần bố trí thêm cổng khử khuẩn.
Riêng đường hoa Nguyễn Huệ cần giảm bớt quy mô khai mạc, sau khi làm lễ mới cho người dân vào tham quan để đảm bảo tốt công tác phòng dịch hiệu quả. Người dân không đeo khẩu trang kiên quyết không cho vào. TPHCM sẽ thực hiện nghiêm biện pháp xử phạt hành chính đối với người không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Đối với các chương trình Tết, Xuân đã khai mạc, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương cần thực hiện nghiệm các giải pháp phòng chống dịch và chịu trách nhiệm về địa bàn quản lý.
Đối với ổ dịch từ công nhân bốc xếp trong sân bay Tân Sơn Nhất, ông Phong yêu cầu ngành y tế xác định điểm khởi nguồn cụm nhiễm từ đâu, có phải từ ổ dịch ở Hải Dương hay không… và khi đã xác định được điểm khởi nguồn các ca mắc COVID-19 thì sẽ có biện pháp quyết liệt.
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị quận 1, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khoanh vùng nhanh, tiếp tục truy vết, kiểm tra. Việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ thực hiện theo từng hộ gia đình để đẩy nhanh việc truy vết.
"Nếu kết quả lần 1 dương tính thì cách ly toàn bộ gia đình, để lấy mẫu lần hai. Như vậy sẽ lấy mẫu nhanh và đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh không thể kiểm soát, TPHCM quyết định hủy chương trình bắng pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2021 vì sự an toàn của cộng đồng và mong người dân TP chia sẻ", ông Phong nói.
Tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế nguyễn Thanh Long đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố có nguy cơ lây nhiễm phức tạp. Quan điểm của Bộ Y tế là TPHCM phải hành động nhanh chóng, quyết liệt, nâng cao và làm mạnh hơn một mức nữa mới có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng các trường hợp công nhân và gia đình công nhân bốc xếp có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Vì vậy, trước hết, TPHCM cần phải truy vết dịch tễ với toàn bộ các công nhân làm việc trong cùng bộ phận, sau đó mở rộng ra các bộ phận khác.
Với các ca lây nhiễm trong cộng đồng, TPHCM phải truy vết bằng được nguồn lây nhiễm, tiến hành khoanh vùng nhanh đối với các địa bàn có trường hợp lây nhiễm, lấy mẫu tất cả các trường hợp có liên quan. Sau khi có kết quả xét nghiệm cần thu hẹp phong tỏa để tránh ảnh hưởng đến việc ăn Tết của người dân.
“Bộ Y tế đã có hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm cho từng gia đình. Khi phát hiện dương tính cần đưa gia đình đó đi cách ly ngay và lấy mẫu lần 2 xét nghiệm. Thành phố cần triển khai theo phương án này để nhanh chóng hoàn tất xét nghiệm ở các khu vực đông dân cư”, ông Nguyễn Thanh Long nói và lưu ý khi xác định dịch đã lan ra cộng đồng, Thành phố cần quyết định chọn địa điểm áp dụng Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 15 của Thủ tướng nhằm đảm bảo triển khai các giải pháp chuẩn bị nhanh hơn mức độ lây lan của dịch.
Theo báo cáo của HCDC, trong sáng 8/2, TPHCM ghi nhận thêm 24 ca dương tính với SARS-CoV-2.