Báo cáo từ các Trung tâm y tế quận huyện tại TPHCM sáng nay cho thấy, thành phố vừa ghi nhận thêm 24 ca dương tính với SARS-CoV-2. Những người này đã được đưa đi cách ly, điều trị.
Liên quan BN 1979 (nam nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất trú tại tỉnh Bình Dương), quận Bình Thạnh cho biết, 6 ca F1 đã có kết quả tất cả đều âm tính; 14 ca F2 thì có 5 ca nghi nhiễm cao ở các phường 28, khu Thanh Đa (3 trường hợp), phường 21 khu Thị Nghè (2 trường hợp).
Quận Gò Vấp có 5 người nghi mắc COVID-19. Quận 12 phát sinh 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều liên quan các nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc COVID-19 trước đó. Quận Bình Tân có 7 trường hợp dương tính (gồm 5 F2 và 2 người ở quán lẩu dê phường Bình Hưng Hòa B tiếp xúc bệnh nhân 1979).
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, trong thời gian qua khi phát hiện ca bệnh 1979 mắc COVID-19, hệ thống y tế của TPHCM đã chủ động để lấy được số mẫu rất lớn, hiện nay còn địa bàn 6 quận huyện phải gấp rút kiểm soát.
“Tình trạng F1 âm tính, F2 dương tính, tôi cho rằng vấn đề xét nghiệm cần đặt lên hàng đầu, truy vết để phát hiện những ca rất sớm để kiểm soát. Làm thế nào để nhanh đưa mẫu về tận nơi, không bị nhầm lẫn. Khi có kết quả thì phải trả về đúng nơi để có thể xử lý ngay. Đối với địa bàn rộng phải rất cân nhắc, làm sao để điều tra dịch tễ được sớm hơn” – ông Lân nói.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, có thể tạm thời phong tỏa, lấy mẫu toàn bộ khu phố đó nhưng sau đó có thể thu hẹp lại khu vực phong tỏa.
Bộ Y tế đề nghị Thành phố lấy mẫu trong gia đình. Ví dụ như khu Mã Lạng (Q.1, TPHCM) có hơn 3.500 nhân khẩu nhưng chỉ có 775 hộ gia đình. “Chúng ta có thể lấy toàn bộ các mẫu trong cùng gia đình, đưa vào chung một ống và xét nghiệm, nếu có mẫu dương tính thì đưa toàn bộ gia đình người đó đi cách ly và lấy mẫu lần 2. Với khu Mã Lạng đáng lý sẽ lấy hơn 3.500 nhưng giờ chỉ cần 775 mẫu” – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, hiện tại chưa thể xác định được khởi nguồn của ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, có khả năng dịch COVID-19 đã tồn tại ở đây từ trước đó nhưng không được phát hiện.
“Cần lưu ý là các ca lây nhiễm tại khu vực bốc xếp, sân bay Tân Sơn Nhất, có thể khởi nguồn từ các ca xuất hiện trước đây. Chúng ta có thể đã không phát hiện được dịch bằng các biện pháp hiện có” – ông Long cho hay và đề nghị Thành phố thực hiện một số việc khẩn trưởng, quyết liệt phòng, chống dịch. Trong đó, ưu tiên nhất, phải xác định các trường hợp công nhân bốc xếp hàng hóa và người thân của họ là các trường hợp nguy cơ nhất, coi là những ca nghi nhiễm để có hướng xác định.
Cụ thể, không chỉ truy vết liên quan đến 29 trường hợp nhiễm (gồm 24 ca mới và 5 ca ghi nhận những ngày qua - PV) mà phải truy vết tất cả công nhân làm việc với nhau. Trước mắt truy vết 60 trường hợp công nhân liên quan đến các ca nhiễm, sau đó rộng ra các công ty khác.
Mặt khác, TPHCM phải tiến hành khoanh vùng thật nhanh những địa bàn có trường hợp nhiễm, lấy mẫu triệt để và trên diện rộng tất cả trường hợp liên quan các ca bệnh và ở trong khu vực có ca bệnh.