> 29.000 tỷ có cứu được doanh nghiệp?
Ông Cao Sỹ Kiêm nói: Nếu như năm 2011 mới dừng ở giãn thuế và miễn thuế cho một số đối tượng, thì nay đã tính cả đến việc giảm thuế TNDN. Như vậy ít nhiều cũng có thêm nguồn để DN trụ vững góp phần ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời làm giảm chi phí nhờ những khoản miễn, giảm, hoãn phí và thuế, sẽ ít nhiều giúp DN giảm áp lực phải đi vay ngay.
Nhưng với các DN đang “chết lâm sàng” xem ra không mấy tác dụng với họ, thưa ông?
Đúng là như vậy, do trong 29.000 tỷ, chủ yếu chỉ là giãn thuế, điều này sẽ buộc DN phải tạo ra nguồn nộp cho những năm sau. Về mặt hạch toán tài chính năm sẽ rất mệt cho DN.
Chưa kể, hai khoản giãn lớn là VAT và thuế TNDN chỉ giúp được những DN đang bán được hàng, có thu nhập và có lãi, còn những DN đang bị tồn kho, lỗ vốn thì không có tác dụng.
Có lẽ tác dụng lớn nhất là khoản miễn giảm tiền thuế đất 50% (dự kiến 1.500 tỷ đồng) nhưng việc miễn này theo Luật phải chờ Quốc hội thông qua. Còn những khoản giãn thuế thì Chính phủ quyết.
Ngoài ra, việc tung gói hỗ trợ thời điểm này là rất chậm. Chúng ta bàn lâu quá, chờ quyết định lâu quá. Khó khăn của DN không chỉ có vài đồng thuế mà hiện tại nhiều nhất nằm ở khâu không bán được hàng, sức mua giảm. Hiện 200.000 DN đã “chết lâm sàng”.
Trong số đó có không ít DN yếu kém nhưng cũng có một bộ phận DN do thị trường, khách quan gây nên. Nói chung những giải pháp này chỉ xem là biện pháp cấp cứu.
Tác dụng thì có nhưng chỉ ở mức hỗ trợ còn giải quyết vấn đề khôi phục sức khoẻ cho DN đứng dậy cần những giải pháp dài hơi.
Vậy theo ông, các DN nhỏ và vừa hiện nay đang cần được giúp những gì?
Cái cần nhất của DN là lãi suất càng giảm nhanh càng tốt, nó sẽ cứu sản xuất, đồng thời tạo ra vòng quay nhanh tiền trong lưu thông.
Với tăng trưởng tín dụng 17% của năm 2012, điều cần làm hiện nay là các ngân hàng nên mở hết room tăng trưởng tín dụng của mình để DN tiếp cận vốn vay càng nhanh càng tốt.
4 tháng qua tính chung mức lãi suất đã giảm khoảng 2,7%/năm. Hạ lãi suất xuống 15% như vừa qua đã là tốt, nhưng phải hạ tiếp nữa.
Thì song song đó, NHNN vừa áp trần lãi suất cho vay chỉ 15%/năm với 4 nhóm đối tượng, thưa ông?
Lãi suất cho vay 15%/năm được dành cho 4 đối tượng là DN nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN phụ trợ và DN xuất khẩu. Nhưng điều kiện cho vay cụ thể ra sao, như thế nào, thì bản thân các ngân hàng phải có tiêu chí hướng dẫn cụ thể và NHNN phải kiểm soát.
Nếu không có tiêu chí, thì DN sẽ rất khó tiếp cận, nếu cứ 10 đồng trong gói này có đến 8 đồng ngân hàng cho vay ra theo phương thức thoả thuận, khi đó làm sao biết được.
Việc Bộ Tài chính mở gói ngân sách 4.600 tỷ đồng cho chi tiêu công có ảnh hưởng đến lạm phát hay không, thưa ông?
Việc mở gói đầu tư chi tiêu công thêm 4.600 tỷ đồn, thực ra không phải là lớn so với tổng vốn đầu tư công hàng trăm ngàn tỷ/năm, gói này theo tôi sẽ không tác động đến nền kinh tế là mấy, nên không lo tác động tới lạm phát.
Theo tôi, lĩnh vực tài chính cần làm thêm 3 việc: Giảm chi tiêu hành chính một cách thực sự chứ không như vừa qua, báo là cắt giảm những cam kết bằng văn bản xong rồi để đấy; Phải giảm chi phí của tất cả các lực lượng sản xuất, nhất là trong chi tiêu mua sắm công.
Hiện chi tiêu hành chính vẫn đang tăng mạnh, lễ hội nhiều quá không hiểm soát được; Cuối cùng phải hướng dẫn tiêu dùng, phải có quy chế hoặc cuộc vận động, làm sao để đời sống của người dân thu nhập thấp đừng khó khăn quá, như thế mới kích cầu được tiêu dùng, tăng sức mua.
Với những sự hỗ trợ kể trên, theo ông bức tranh của DN từ nay đến cuối năm sẽ thế nào?
Chắc sẽ khá hơn chút với những DN còn đang sống, nhưng không thể vọt lên được. Còn DN yếu kém triền miên thì khó cứu, mà cũng không cứu làm gì, nên để cho phá sản.
Cảm ơn ông.
Thực tế hiện nay hơn 50% số DN phải vay lãi suất từ 18% trở lên, dù ngân hàng nào cũng tuyên bố dành gói một vài ngàn tỷ, để cho DN vay lãi suất ưu đãi. Nhưng thực chất không ít trong số đó chỉ hô to thế lấy thành tích. Mà cái này, NHNN không thể kiểm soát được. Thậm chí, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng giấu lãi, tù mù trong hạch toán. |
Khánh Huyền thực hiện