Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Còn nhiều khó khăn trong việc cho học sinh trở lại trường

0:00 / 0:00
0:00
ảnh: Bao giờ học sinh được quay lại trường học là câu hỏi nhiều phụ huynh quan tâm.
ảnh: Bao giờ học sinh được quay lại trường học là câu hỏi nhiều phụ huynh quan tâm.
TPO - Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói rằng, vấn đề học sinh quay lại trường học là mong muốn của đông đảo người dân tuy nhiên hiện có nhiều khó khăn. Cụ thể là chưa có vắc xin cho học sinh dưới 18 tuổi.

Phải có lộ trình cho học sinh quay lại trường

Về vấn đề học sinh đi học trở lại, ông Trần Thế Cương khẳng định, việc học sinh đến trường không chỉ là mong muốn của cá nhân ông mà còn của đông đảo người dân thành phố. Bởi vì một tiết học trực tiếp học sinh ở lớp, được tương tác với bạn bè, thầy cô giáo sẽ bằng từ 20 đến 30 tiết học trực tuyến. Học trực tuyến có rất nhiều vấn đề như sóng, thiết bị, tương tác giữa giáo viên và học sinh, tương tác giữa học sinh và học sinh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đến trường của học sinh có nhiều khó khăn cần khắc phục. Cụ thể đó là vấn đề chưa có vắc xin cho học sinh dưới 18 tuổi. “Hà Nội có tổng số 2,1 triệu học sinh, cộng với 900 nghìn trẻ em chưa đến tuổi đi học. Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ không đảm bảo an toàn. Khi triển khai thực hiện mở cửa trường học, phụ huynh cũng rất lo lắng về điều này”, ông Cương nói.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khi cho học sinh trở lại trường, cơ quan quản lý cũng phải có lộ trình. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để cho các cháu học trở lại. Trong đó, phương án khả thi nhất là cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như: lớp 6, lớp 9, 10, 12 học trước sau đó theo lộ trình dần dần cho các cháu còn lại đi học. Tuy nhiên, việc này ban đầu cũng sẽ chỉ triển khai tại các khu vực an toàn, vùng xanh, không có nguy cơ xảy ra dịch COVID-19.

Lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc họp để đề ra giải pháp làm thế nào vừa khôi phục kinh tế, xã hội vừa để học sinh sớm quay lại trường học sau một thời gian nghỉ phòng dịch kéo dài. Đặc biệt Nghị quyết 128 Chính phủ vừa thông qua là điều kiện để Thành phố, Sở GD&ĐT xây dựng kịch bản chi tiết cụ thể để học sinh sớm quay lại trường.

TP Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát, hướng dẫn phòng chống COVID-19 trong hoạt động giáo dục đào tạo. Hà Nội yêu cầu thực hiện các giải pháp thực hiện năm học 2021-2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vắc xin của Bộ Y tế.

Phụ huynh mong con sớm được tiêm vắc xin

Chị Đặng Thu Hồng, có 2 con đang học THCS - THPT cho biết, nếu triển khai tiêm phòng dịch COVID-19 cho trẻ 12-18 tuổi đợt này, cả 2 con đều thuộc nhóm đối tượng được tiêm. “Tôi rất mừng vì con được tiêm phòng sẽ sớm được quay lại trường học. Học trực tuyến kéo dài không hiệu quả, ảnh hưởng mắt lại bức bí, con có dấu hiệu trầm cảm. Mỗi ngày con đều ngồi lì trong góc phòng “ôm” máy tính đến 9-10 tiếng gồm cả học chính, học thêm. Hiện thành phố đã cho người dân ra đường tập thể dục nhưng mẹ rủ rê, chèo kéo mãi con cũng lười không muốn ra khỏi nhà khiến cả gia đình lo lắng”, chị Hồng nói.

Một phụ huynh khác có con học ở bậc tiểu học tại quận Đống Đa cũng nói rằng, nếu Hà Nội tiêm phủ được hết vắc xin cho người lớn, nguy cơ lây bệnh cũng sẽ giảm. Trong trường học, cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ tiêm đủ 2 mũi thì cũng yên tâm cho con tới trường. “Việc học trực tuyến kéo dài vừa giảm chất lượng giáo dục vừa tác động rất lớn đến tâm lý trẻ”, phụ huynh này nói.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh có con ở nhà phòng dịch kéo dài từ đầu tháng 5/2021 đến nay. Phụ huynh băn khoăn, những địa phương thuộc “vùng xanh” cả tháng không có ca mắc mới tại sao Hà Nội không cho học sinh tới trường. Bởi hiện nay, phụ huynh đã đi làm toàn bộ, nếu con học trực tuyến cần có người giám sát nếu không trẻ dễ sa đà vào nhiều kênh thông tin xấu, độc trên mạng cũng như đối mặt với nguy cơ tai nạn thương tích về điện, nước...

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói: Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi để học sinh an toàn tới trường.

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.

Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.

MỚI - NÓNG