Giọt nước tràn ly
Ngày 11/10, lá đơn xin nghỉ việc của một thầy giáo ở Đồng Nai gây xôn xao mạng xã hội. Người viết đơn này là ông Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường tiểu học An Lợi, huyện Long Thành.
Ông Sơn viết đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết cho thôi việc từ ngày 1/11 theo chế độ thôi việc hiện hành với lý do: "Công tác trong một cơ sở giáo dục, nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ".
Ở phía dưới đơn xin nghỉ việc này có phần bút phê và ký tên, đóng dấu của ông Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lợi, chấp thuận cho thầy Sơn nghỉ việc theo nguyện vọng. Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường cũng yêu cầu kế toán liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết chế độ chính sách cho ông Sơn.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành xác nhận vụ việc. Tuy nhiên, theo ông Toàn, việc hiệu trưởng nhà trường ghi luôn nội dung giải quyết cho ông Sơn nghỉ việc ngay trên tờ đơn xin nghỉ việc là chưa đúng quy trình và đã "chỉ đạo nhà trường cho rút lại đơn xin nghỉ việc của ông Sơn".
Là giáo viên gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM cho rằng, sau khi đọc nội dung lá đơn xin nghỉ việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, cô không sốc mà thấy buồn.
Theo cô Thảo, nếu nhìn nhận một cách khách quan sự việc này là đỉnh cao của mâu thuẫn mà không có sự lắng nghe của cả hai bên. Sự việc giáo viên viết đơn xin nghỉ là “giọt nước tràn ly”.
Cô Thảo cũng cho rằng, mâu thuẫn không thể giải quyết và theo thời gian tích tụ cho đến khi không còn chịu được thì bật ra xung đột. Đó cũng là quy luật tất yếu thôi. Nếu hai bên đối thoại thẳng và cùng nhìn nhận từ hai phía thì mọi thứ sẽ không đi quá như thế.
“Ở góc độ giáo viên, tôi thấy buồn và đau thật sự khi thời gian cống hiến và công tác trong ngành không phải là ngắn mà có lẽ không hiểu hết được tâm tư của thầy nên thầy đã viết những dòng có phần nặng nề và đau lòng như thế để kết thúc sự nghiệp nghề giáo của mình”- cô Thảo nói.
Cũng theo cô Thảo, mọi việc xảy ra trong môi trường giáo dục đều xuất phát từ quản lý không tốt và thiếu đi sự tôn trọng đối với giáo viên nên mới có những vụ việc như vậy.
Trước ý kiến hình thức trình bày của lá đơn không đúng với kỹ thuật trình bày một văn bản và có những từ không trong sáng, phản giáo dục, cô Thảo cho rằng, cũng có thể cho là như vậy, hoặc cũng có thể do thầy cá tính và thẳng thắn quá mức nên đã viết đơn như thế.
“Đợt trước thầy giáo xin ra khỏi công đoàn và cũng một mình để đấu tranh. Tôi nghĩ đều xuất phát từ sự đơn độc và không có sự thấu hiểu”- cô Thảo nói.
Lá đơn gây xôn xao trên mạng xã hội: Thầy giáo xin nghỉ việc "vì tởm nhất là vấn nạn dối trá". |
Cần làm sáng tỏ để xã hội biết
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho rằng, việc người thầy hay công chức, viên chức xin nghỉ việc là quyền của người lao động. Chúng ta phải tôn trọng quyết định xin nghỉ của thầy giáo này. Nếu suy xét lá thư không đúng với kỹ thuật trình bày một văn bản thì cũng không nên vì không thể bắt họ viết như một bài văn mẫu.
Thầy Phú cho biết thêm, tạm bỏ qua những từ ngữ thiếu chuẩn mực thì nội dung lá đơn xin nghỉ việc cũng phần nào nói lên một "nỗi đau" kéo dài mang tên "vấn nạn dối trá" trong giáo dục.
Mặt khác, vị hiệu trưởng này cho rằng, vấn đề tất cả chúng ta là người ngoài thì không nên đánh giá là thầy Sơn đúng hay sai hay trường đúng, thầy Sơn sai hay là trường sai. Vấn đề ở đây là làm sáng tỏ vụ việc này.
Trong trường hợp của thầy Sơn đưa ra là hiện nay tính trách nhiệm không phải ở trường này nữa mà trách nhiệm ở phòng giáo dục của trường đó. Khi thầy đưa đơn như vậy, phòng giáo dục phải có động thái. Tôi cho rằng cũng có thể nhờ đơn xin nghỉ này thì sẽ làm ra nhiều vấn đề.
Thầy Phú cho rằng, việc nhà trường cho thầy Sơn nghỉ hay không cho nghỉ không còn là điều đáng bàn. Còn vấn đề ở đây sau đơn có điều gì uẩn khúc hiện nay, phòng giáo dục phải làm cho rõ. Vì lá đơn được gói ghém vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục, đến tính minh bạch mà lâu nay trong môi trường giáo dục không giải quyết để đến mức giọt nước tràn ly. Như vậy thì chúng ta cần suy nghĩ lại và cần làm rõ chứ không dừng lại ở việc cho thầy nghỉ việc hay không.
“Tôi nghĩ những người ngoài cuộc không nên suy diễn hay có cái nhìn lệch lạc về người thầy cũng như môi trường sư phạm khi chưa nắm được cụ thể vụ việc. Tôi cho rằng vụ việc này cần được làm sáng tỏ và rút kinh nghiệm một cách minh bạch, triệt để"- Thầy Phú nêu quan điểm.