Giám đốc Công an TP Hà Nội: Tín dụng đen là “mẹ” của nhiều loại tội phạm

Trung tướng Đoàn Duy Khương
Trung tướng Đoàn Duy Khương
TP - Liên quan đến hoạt động tín dụng đen gây nhức nhối, mất an ninh trật tự xã hội, ngày 11/6, trò chuyện với PV Tiền Phong, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá, tín dụng đen là “mẹ” của nhiều loại tội phạm.

Trung tướng Đoàn Duy Khương chia sẻ, năm 2016, khi mới về nhận nhiệm vụ Giám đốc Công an TP Hà Nội, ông đã nhận diện tín dụng đen là tội phạm “mẹ”, đẻ ra các loại tội phạm khác. Loại tội phạm này cũng giống như tội phạm ma túy, hay gọi là tội phạm “cái”.

Cụ thể, theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, tín dụng đen “đẻ” ra các loại tội phạm như, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích... “Chính vì thế, tôi ra Kế hoạch 231, đồng thời chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ rà soát trên địa bàn toàn thành phố xem có bao nhiêu tổ chức tội phạm dù phức tạp hay đơn giản liên quan đến tín dụng đen. Tiếp đó, chúng tôi có kế hoạch phân công, phân cấp để triệt phá. Thời điểm đó, toàn quốc chưa nổi lên hoạt động tín dụng đen, nhưng bây giờ tín dụng đen đã đi cả vào vùng sâu vùng xa rồi” - Trung tướng Khương chia sẻ.

Trung tướng Đoàn Duy Khương cũng cảnh báo, hiện nay, tín dụng đen chuyển sang hình thức mới, lợi dụng công nghệ cao để hoạt động. Các đối tượng sử dụng phần mềm cho vay ngang hàng, phần mềm này sẽ kết nối giữa đối tượng cho vay và đối tượng cần vay. Theo đó, đối tượng cho vay và đối tượng cần vay đều phải trả phí cho đơn vị phát hành phần mềm, nhưng hình thức này còn rành mạch.

Tuy nhiên, trên thực tế, đã có hiện tượng các đối tượng cũng lợi dụng hình thức này để cho vay với lãi suất cắt cổ. Và đương nhiên, đằng sau đó là một đội ngũ tội phạm “chống lưng”, dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… để đòi nợ. Như vậy, từ thực tế giao dịch trên không gian ảo đã trở thành thực tế gây án.

Ngoài ra, thời gian gần đây nổi lên tình trạng tội phạm công nghệ cao hoạt động theo hình thức gọi điện lừa đảo xưng là cán bộ kiểm sát, công an… để lừa đảo các nạn nhân chuyển tiền. “Đối với loại tội phạm này, chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều, nhờ cả Bộ Thông tin và Truyền thông nhắn tin vào số điện thoại của từng người dân nhưng vẫn có trường hợp bị lừa.

Chúng tôi phải đưa ra nhiều biện pháp, cả việc dán thông báo trên bàn nhân viên các phòng giao dịch ngân hàng, khi có ai đến chuyển tiền thì cần hỏi lý do, nếu thấy dấu hiệu nạn nhân bị lừa thì hướng dẫn khách hàng ra đọc bảng khuyến cáo của cơ quan công an. Và thực tế, đó là một giải pháp khá hiệu quả”,  Trung tướng Khương nói.

MỚI - NÓNG