Giám đốc 'chân đất' và kỷ lục hơn 30 lần hiến máu

Anh Trần Mạnh Quảng kiểm tra sự phát triển cây trồng ở trang trại.
Anh Trần Mạnh Quảng kiểm tra sự phát triển cây trồng ở trang trại.
TP - Trần Mạnh Quảng là cái tên khá quen thuộc trong lực lượng hiến máu tình nguyện ở Bắc Giang với hơn 30 lần. Nhưng ít người biết, anh cũng là một người mang đến một cách làm mới trong phát triển nông nghiệp ở vùng quê còn nhiều khó khăn.

Từ Chủ nhiệm câu lạc bộ máu…

Hỏi về số lượng cụ thể bao nhiêu lần hiến máu, Trần Mạnh Quảng (sinh năm 1989, ở thôn Trại Đồng, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cười bẽn lẽn tâm sự: “Chắc phải bỏ giấy chứng nhận ra đếm thì mới biết được chính xác. Mình chỉ nhớ là khoảng hơn 30 lần thôi”.

Trước đây, khi còn là sinh viên của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, Trần Mạnh Quảng từng là Chủ nhiệm một câu lạc bộ máu với hơn 40 thành viên, hoạt động khá tích cực. Chủ nhiệm Quảng luôn tỏ ra là người nhiệt tình nhất trong phong trào, cứ hết thời gian theo quy định là anh lại đi hiến máu. Mỗi năm ít nhất 4 lần, chưa kể những lần thiếu máu đột xuất ở các bệnh viện Nhi, anh cũng sẵn sàng có mặt để góp cho đời những giọt máu quý hiếm. Tên của Quảng đã trở thành quen thuộc với các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Bất kể trời mưa, nắng và không ít lần giữa đêm khuya, nhận được điện thoại từ các bệnh viện cần máu gấp, Quảng lại mau chóng lên đường sẻ giọt máu đào. Ghi nhận những thành tích đó, Quảng đã được Hội chữ thập đỏ các cấp tôn vinh nhiều danh hiệu hiến máu tiêu biểu và được UBND tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen do có nhiều đóng góp trong phong trào hiến máu tiêu biểu. Năm 2017, anh cũng đã tích cực vận động các bạn bè và trực tiếp tham gia hiến máu tại ngày Chủ nhật đỏ do báo Tiền Phong tổ chức tại Bắc Giang. Trần Mạnh Quảng tâm sự: “Mình cảm thấy rất vui vì những giọt máu của mình cứu sống được những con người khác. Bây giờ không còn tham gia CLB hiến máu nữa nhưng có cơ hội là mình sẵn sàng hiến ngay”.

Không chỉ nhiệt tình trong phong trào hiến máu, sự “máu lửa” trong tính cách của Quảng còn lan sang cả công việc, nghề nghiệp của mình. Quảng yêu thích công việc đồng áng từ thuở nhỏ nên khi tốt nghiệp THPT, Quảng nộp đơn và đỗ vào Đại học Nông lâm Bắc Giang. Ước mơ trở thành một ông chủ trang trại cứ lớn dần lên, năm thứ 3, Quảng xung phong tham gia sang Israel làm “thực tập sinh” rồi tiếp tục sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp từ đất nước mặt trời mọc.

… đến “Giám đốc doanh nghiệp thực phẩm sạch”

Trần Mạnh Quảng cho biết, gần một năm ở Israel và thời gian sang Nhật anh học được khá nhiều điều. Đặc biệt là những buổi học trên lớp, dù có mệt mỏi đến mấy nhưng khi nghe về phương thức, kinh nghiệm, kỹ thuật… trong trồng trọt là anh lại như khỏe hẳn ra. Về nhà, anh băn khoăn giữa việc tiếp tục đi Nhật hay ở lại Việt Nam bắt đầu sự nghiệp của mình và anh quyết định đi lên từ đồng đất quê hương mình.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc, Quảng mới thấy thực sự gian nan. Tự nghiên cứu mẫu đất, mẫu nước, Quảng nhận ra vùng đất quê hương anh trải qua bao nhiêu những năm tháng không được chăm sóc đúng kỹ thuật đã trở nên rất bạc màu, khó khăn trong việc cung cấp dưỡng chất cho cây. Một vấn đề nữa là không hề có hệ thống thủy lợi nên người dân ở đây bao nhiêu năm đều trông chờ vào nước trời, cấy lúa hai vụ nhưng không ăn chắc.

Để tích tụ ruộng đất, Quảng bỏ tiền ra thuê đất của nhân dân trong thôn để hình thành một cánh đồng rộng khoảng hơn 2 ha. “Mặc dù chỉ có một diện tích không lớn nhưng đã liên quan đến hơn 80 hộ dân. Nhiều mảnh ruộng của người dân chỉ đặt vừa chiếc máy cày”, Quảng tâm sự về những ngày đầu gian nan. Không nản, Quảng mua phân gà, sử dụng các biện pháp ủ phân để chuẩn bị một lượng phân hữu cơ lớn bắt đầu cải tạo cho đất. Khắc phục tình trạng thiếu nước, Quảng khoan 3 chiếc giếng đồng thời bỏ ra hàng trăm triệu đồng trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, một trong những phát minh mang tính điển hình cho nông nghiệp Israel mà anh học được. Các khung nhà lưới cũng dần được hình thành trên diện tích đất mà anh thuê được của người dân. Trên đó, Quảng bắt đầu trồng dưa bao tử, đậu cô ve, dưa hấu  và một số loại rau màu nữa. Một doanh nghiệp có tiếng về chế biến thực phẩm tại Bắc Giang đã đồng ý hỗ trợ về giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa bao tử cho Quảng. Nhiều trường học đặt hàng từ trang trại của Quảng nên hầu như Quảng không lo về đầu ra. Đây là một trong những động lực để Quảng tiếp tục đầu tư đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới.

Đồng hành với Quảng là hai người bạn nữ cũng vượt hàng chục cây số đến cùng ăn, ở giữa cánh đồng với trang trại của Quảng để hình thành nên “nhóm khởi nghiệp nông nghiệp”. Đó là Nguyễn Thị Thảo, cử nhân Đại học Nông nghiệp I và Lê Thị Thương, cử nhân Đại học Sao Đỏ. Ba cử nhân hàng ngày trực tiếp ra đồng, cày cuốc, chăm sóc đã khiến cho nhiều người dân xung quanh thán phục. Mới đây, ba người đã quyết định thành lập Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp GOF với mong muốn cung cấp cho thị trường những nông sản chất lượng và đặc biệt là phải sạch. “Muốn làm được nông sản sạch hay bất cứ điều gì, cần bắt đầu từ chính cái “tâm” của mình. Bọn mình luôn đi theo phương châm này, thậm chí có phải hi sinh những lợi ích kinh tế trước mắt, có thể phải đổ cả hàng tấn nông sản đi nhưng để bảo vệ cho người tiêu dùng, công ty mình cũng sẵn sàng làm”, ông chủ doanh nghiệp trẻ Trần Mạnh Quảng tâm sự.

MỚI - NÓNG