Giám đốc BV Nhi T.Ư: 'Tiêm vắc xin không ảnh hưởng lâu dài và yếu tố di truyền của trẻ em'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các chuyên gia y tế cho rằng, sau khi trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm vắc xin, tỷ lệ mắc và nhập viện giảm hẳn so với trước. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Giám đốc BV Nhi T.Ư: 'Tiêm vắc xin không ảnh hưởng lâu dài và yếu tố di truyền của trẻ em' ảnh 1

Các đại biểu tham dự toạ đàm

Chiều 18/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”, với sự tham gia của các chuyên gia: PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, người dẫn chương trình toạ đàm đặt câu hỏi: Thế giới tiêm chủng cho đối tượng trẻ em ra sao?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết, hiện đã có 60 quốc gia trên thế giới đã tiêm vắc xin cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và hiện đang tiêm cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi. “Tính an toàn cho đối tượng trẻ em cũng tương tự với trẻ lớn và người lớn”, bà Hồng khẳng định.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Sau khi hoàn thành 2 mũi cho trẻ trên 12 tuổi, vấn đề đang đặt ra với Việt Nam là gì?

Về câu hỏi này, PGS.TS. Dương Thị Hồng tiếp tục nhấn mạnh, chiến dịch tiêm chủng cho đối tượng trẻ em từ 12 – 17 tuổi rất thành công, đã đạt 17 triệu mũi tiêm vắc xin, với tỷ lệ tiêm mũi 2 trên 96% .

“Quá trình triển khai tiêm cho trẻ từ 12 – dưới 18 tuổi rất an toàn, chỉ từ 0,5 đến dưới 10% được ghi nhận có phản ứng thông thường. Số liệu này thấp hơn nhiều nước, khi phản ứng của họ lên tới 50 – 80%”, bà Hồng nêu.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, có vài trường hợp ghi nhận phản ứng viêm cơ tim, nhưng với sự hướng dẫn chi tiết, chuẩn bị kỹ từ trước nên đã xử trí rất kịp thời, không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. “Đây là một chiến dịch được ghi nhận”, bà Hồng cho hay.

Giám đốc BV Nhi T.Ư: 'Tiêm vắc xin không ảnh hưởng lâu dài và yếu tố di truyền của trẻ em' ảnh 2

PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Về hiệu quả bước đầu trong việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi như thế nào?

Trả lời câu hỏi, PGS.TS. Trần Minh Điển khẳng định, hiệu quả từ vắc xin đều được đánh giá cơ bản hữu hiệu; WHO vẫn khẳng định phải tiếp tục tiêm chủng cho người có nguy cơ, đối tượng yếu thế - trong đó có trẻ em, nên tiêm cho các em trong độ tuổi này rất quan trọng.

“Triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ trên 12 tuổi cực kỳ an toàn. Chúng tôi đang hết sức cố gắng tập huấn cho từng điều dưỡng tiêm, đã làm tốt, an toàn. Tại Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhóm sau khi tiêm chủng đã được đi học. Khi nhiễm COVID-19 thì rất nhẹ, không có trường hợp nào từ 12 – 17 tuổi phải nhập viện, giảm đáng kể dấu hiệu chuyển nặng”, PGS.TS. Trần Minh Điển nhấn mạnh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Vấn đề đặt ra được đa số các bậc phụ huynh quan tâm là những rủi ro sau tiêm thế nào, phản ứng phụ ra sao, có ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ, hay tử vong sau tiêm không?

Trả lời câu hỏi, PGS.TS. Trần Minh Điển chia sẻ, trước một mũi tiêm cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng, không chỉ với phụ huynh mà còn cả với những người làm y tế. “Đứng trước việc tiêm vắc xin cho trẻ em, chúng tôi đều phải đọc tài liệu, tư vấn tốt hơn cho phụ huynh, đồng thời nghiên cứu kỹ dữ liệu an toàn cũng như hiệu quả vắc xin cho đối tượng này…”, theo ông Điển, Hoa Kỳ rất khắt khe nhưng cũng đã cấp phép vắc xin cho đối tượng trong độ tuổi này.

Trước những lo ngại về phản ứng lâu dài ảnh hưởng đến trẻ em, PGS.TS. Trần Minh Điển khẳng định, vắc xin chỉ tạo ra những kháng thể chống đỡ lại virus, không xâm nhập vào tế bào. “Đây là cơ chế khoa học, không ảnh hưởng lâu dài cũng như yếu tố di truyền của trẻ em”, ông Điển khẳng định.

Về những phản ứng sau tiêm trong 5 – 10 ngày, chuyên gia cũng khẳng định không đáng lo ngại, vì cũng giống như tiêm cho trẻ lớn hơn và cho người lớn lâu nay.

MỚI - NÓNG