Đối với ông Richard Chan 67 tuổi, mẹ ông vừa là người mẹ, vừa là người thầy đáng kính. Dù hiện tại bà như một đứa trẻ và cần người lo cho mọi việc, nhưng ông vẫn luôn nghĩ về mẹ với những gì tốt đẹp nhất.
Ông kể, bà Cheng Wee Boon, mẹ ông là một nữ doanh nhân tài năng. Bà là chủ một cửa hàng, thông thạo nhiều ngôn ngữ và còn tự học chứng khoán. "Mẹ tôi không phải là một bà nội trợ điển hình. Bà ấy không dành hết thời gian cho những đứa con mà còn phải kinh doanh", ông nói.
Cách đây 4 năm, bà Cheng có dấu hiệu bị bệnh mất trí nhớ. Thời điểm đó bà hay giấu đồ đạc và rồi buồn bã khi tìm không thấy. Bà ăn kém, cân nặng đã giảm từ 60 xuống còn 40 kg. Đến khi phát hiện ra mẹ bị bệnh Alzheimer, ông Chan đã bỏ việc để ở bên mẹ.
"Tôi sợ nếu mình không làm gì đó thì sẽ có chuyện không hay xảy ra với mẹ", ông nói trên tờ Straitstimes.
Hai năm qua, ngày nào ông cũng tắm rửa, vệ sinh, bón đồ ăn cho mẹ, thuốc men, vật lý trị liệu... Người ngoài khó có thể tin, một người đàn ông đang ở cương vị là giám đốc một đại lý bán đồng hồ, với mức lương 5 con số (một đôla Singapore tương đương khoảng 16.000 VND) lại bỏ việc để ngày ngày làm các công việc tỉ mỉ này.
Không chỉ chăm sóc mẹ, ông Chan còn tìm hiểu về bệnh này. Theo ông, đối với người bệnh Alzheimer thì sự chăm sóc chu đáo cùng tình yêu của gia đình là liều thuốc tốt nhất với họ. Mỗi tuần, ông Chan còn đưa mẹ tham dự hoạt động của Hiệp hội Alzheimer, để bà có thể nấu nướng, sơn vẽ hay ca hát.
"Mẹ tôi đem những tác phẩm của mình về và treo chúng lên tường nhà. Có lúc bà ấy nhìn chúng và nói 'thật là đẹp'", ông cười kể.
Nhờ sự chăm nom của con trai mà hiện nay bà Cheng đã vui vẻ và hòa đồng hơn, không còn là bà lão lúc nào cũng than thở muốn chết cho xong như ba năm trước.
Ông Chan nói: "Bạn cần cho họ thấy sự quan tâm chăm sóc của bạn". Và cách thể hiện tình yêu của ông là chọc cho mẹ vui hay ôm hôn bà bất cứ lúc nào có thể.