> Khởi tố đối tượng chém trọng thương trung tá công an
Trong bối cảnh đó, các cơ quan tư pháp một số tỉnh - thành phố có sáng kiến ra những văn bản mang tính hướng dẫn để các cơ quan tư pháp các quận, huyện, thị xã thống nhất cách áp dụng hai bộ luật này trong hoạt động tố tụng.
Một trong những địa phương như vậy là Quảng Ninh. Ngày 1-10-2011, liên ngành Công an - Kiểm sát - Tòa án tỉnh này đã ra “Thông báo liên ngành về một số biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm”.
Văn bản này thống nhất hướng giải quyết một số vấn đề gặp khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, như trường hợp bị hại trong vụ án “cố ý gây thương tích” từ chối giám định tổn hại sức khỏe, hoặc cách đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi “khai thác tài nguyên trái phép” (diễn ra khá phổ biến ở địa bàn Quảng Ninh). Đây là những vấn đề chưa được hai bộ luật đã nêu quy định rõ ràng
Việc ra “Thông báo liên ngành” như vậy, cần được ghi nhận mục đính nhằm giúp các cơ quan tố tụng địa phương có quan điểm kịp thời, thống nhất trong xử lý tội phạm. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý, nó lại ẩn chứa nhiều vấn đề bất ổn.
Về hình thức, “Thông báo liên ngành” không phải là văn bản pháp quy, nó chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị để thực hiện.
Về nội dung, nhiều vấn đề “Thông báo liên ngành” tưởng như đưa ra được cách giải quyết thấu đáo, thực ra lại càng làm cho vấn đề tù mù hơn, điển hình là quy định của liên ngành tỉnh Quảng Ninh: “Đối với các loại tội trong đó tỷ lệ gây thương tích được tính làm căn cứ để khởi tố, nếu đã triệu tập từ hai lần trở lên, đến tận nhà mời và đã giải thích rõ quyền - nghĩa vụ pháp lý mà bị hại vẫn từ chối giám định, thì có thể giám định bằng hồ sơ, tránh việc bỏ lọt tội phạm”.
Giám định tổn hại sức khỏe là loại giám định tư pháp thường gặp nhất. Theo những văn bản chuyên môn của ngành Y pháp, việc giám định tổn hại sức khoẻ (còn gọi giám định thương tích) được thực hiện theo một trình tự chặt chẽ, trong đó không thể thiếu việc hỏi - khám xét trực tiếp người bị thương tích.
Pháp lệnh giám định tư pháp cũng quy định giám định viên có quyền từ chối giám định, nếu yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng vượt quá khả năng chuyên môn của họ.
Vì vậy, nếu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định thương tích “theo hồ sơ”, rất nhiều khả năng yêu cầu này sẽ bị tổ chức giám định từ chối.
Cần nói thêm, giả sử giám định viên và tổ chức giám định chấp nhận giám định thương tích “theo hồ sơ”, thì khi ra trước tòa, kết quả giám định đó cũng rất ít khả năng được HĐXX chấp nhận là chứng cứ để kết tội bị cáo.
Giả sử các cấp toà Quảng Ninh chấp nhận kết quả giám định như vậy, bản án đó rất có thể sẽ bị kháng nghị, kháng cáo để xét xử ở cấp cao nhất, điều này sẽ khiến việc xử lý vụ án bị kéo dài và ẩn chứa rất nhiều phức tạp.
Vấn đề đặt ra qua trường hợp này, đó là chúng ta cần sửa chữa, bổ sung Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự một cách toàn diện, triệt để, với tiêu chí phải giải quyết hiệu quả những vướng mắc nảy sinh trong thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm của các địa phương trong cả nước.
Và dĩ nhiên việc sửa chữa, bổ sung, hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật cũng phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật.