Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay: “Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta khiến số ca mắc và số tử vong tăng nhiều, tỉ lệ tử vong tại Việt Nam hiện là 2,4%”. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 giảm dần, có những ngày số mắc giảm mạnh xuống hơn 4.000 ca so với những ngày trước đó. Trước đó, cuối tháng 8, đầu tháng 9, số mắc thường lên đến hơn chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tuần vừa qua ghi nhận thông tin tích cực khi số lượng bệnh nhân khỏi gia tăng, có những ngày liên tiếp số khỏi nhiều gấp 4-6 lần số mắc mới.
Đáng chú ý, số bệnh nhân COVID-19 tử vong đã và đang giảm hằng ngày, đặc biệt những ngày gần đây, số tử vong giảm mạnh. Riêng tại TPHCM, nếu đầu tháng 9 có từ 250 - 280 ca tử vong/ngày thì tới ngày 6/10, số ca tử vong ở TPHCM giảm xuống còn 88 ca. Tại Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp cũng giảm mạnh...
Ði đúng hướng
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: Trong giai đoạn được cho là căng thẳng nhất của cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần thứ 4 từ 23/8 đến 30/9 với đặc thù biến chủng Delta, ngành Y tế đã triển khai chiến lược xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm và thực hiện đúng theo tốc độ của xét nghiệm là 48 giờ xét nghiệm một lần (đi trước tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2). Nhờ thế, đến nay, ca nhiễm mới trong cộng đồng và trường hợp bệnh trở nặng, tỉ lệ tử vong giảm xuống.
“Đến hôm nay, phòng chống dịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cho thấy chúng ta đi đúng hướng trong phòng chống dịch. Số ca mắc mới giảm, ca khỏi nhiều lên mỗi ngày, số tử vong giảm”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
“Đợt dịch thứ 4 với chủng mới Delta gây hậu quả rất nghiêm trọng cho hệ thống khám, chữa bệnh, người bệnh và nhân viên y tế, tuy nhiên chúng ta đang từng bước khống chế được dịch bệnh, giảm tử vong”
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh
Tại buổi tập huấn trực tuyến hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản lần 7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… giúp giảm số lượng bệnh nhân tử vong rất ngoạn mục. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa một số thuốc vào phác đồ điều trị.
Những giải pháp quyết liệt
Để đạt được những thành công bước đầu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, ông Khuê nhận định: "Chúng tôi cho rằng có 5 biện pháp trụ cột”, thứ nhất là triển khai cách ly F1 tại nhà. Thứ hai, phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 trên địa bàn TPHCM, thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, phân loại nguy cơ người bệnh COVID-19.
Thứ ba, cách ly, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, tại khu vực dịch nóng góp phần giảm tải áp lực cho các bệnh viện với chiến lược đưa y tế đến gần dân nhất là 3 túi thuốc điều trị, xét nghiệm, mở rộng tiêm chủng, tăng cường ô xy, lập trạm y tế lưu động để kịp thời đưa người bệnh trở nặng vào điều trị tại cơ sở y tế... Thứ 4, thành lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19. Và thứ 5 là điều động gần 20.000 chuyên gia, các y bác sĩ, sinh viên y khoa đến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An các tỉnh Tây Nam bộ hỗ trợ chống dịch..