Phá cách
9 nhà thiết kế được gắn danh mới toe hôm cuối tháng 12/2017 sau lễ tốt nghiệp, sau 2 năm đeo đuổi thời trang. Đó là những cái tên mới và nhỏ bé trong bản đồ thời trang Việt lẫn thế giới. Họ là: Trần Thị Ánh Phượng, Nguyễn Vũ Quỳnh Phương, Nguyễn Thuỳ Linh, Lưu Thị Lan, Nguyễn Hải Vân, Võ Thanh Thuỷ, Nguyễn Thuỳ Linh, Hoàng Hồng Hải và Bùi Nhất Nam.
Rất ấn tượng với Nguyễn Hải Vân, 21 tuổi, người Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Chi tiết trong bộ sưu tập của Hải Vân lấy cảm hứng từ Văn hóa Ấn Độ làm chủ đạo. Tuy nhiên, điều đặc biệt là Hải Vân khá cầu kỳ khi in và vẽ những tiểu tiết trên vải. Mỗi một tấm vải được in ra không thể giống nhau. Vân kể: “Vì đam mê về văn hoá và các hình ảnh hoạ tiết đẹp mắt, em bắt đầu thực hiện bộ sưu tập được lấy ý tưởng về hoạ tiết đặc trưng của Ấn Độ. Các chi tiết cùng màu sắc có trong văn hoá lễ hội hay trang phục và kiến trúc. Áp dụng xu hướng màu sắc năm 2018, bộ sưu tập sử dụng các tông màu đậm tối, kết hợp vải lụa và taffeta. Các kiểu textiles được sử dụng trong trang phục như thiết kế hình in, đính đá, đan. Em rất muốn tôn vinh, lưu giữ những hình ảnh màu sắc của truyền thống, cái mà gọi là đã cũ và biến nó trở nên hiện đại, bắt nhịp với xu hướng nhưng không mất đi bản sắc vốn có của nền văn hoá đó”.
Chất liệu nhung, ghi xám, một màu, Những khối hình quyến rũ của Trần Thị Ánh Phượng được lấy cảm hứng từ kiến trúc sư người Anh gốc Iraq - Zaha Hadid. Ngay trên sàn diễn đêm đó, cô người mẫu trong bộ trang phục được sự vỗ tay quá dài đã lúng túng vấp giày váy và tự ngã, nhưng Ánh Phượng lập tức đỡ dậy cùng dìu đi, với một nụ cười. Năm bộ váy mang tính chất trình diễn nhiều hơn. Ban đầu, Ánh Phượng định Bộ sưu tập tốt nghiệp của mình theo phong trào “nhìn thấy, mua ngay”, nhưng cô giáo người Anh Tamara động viên để chuyển sang… trình diễn. Thậm chí có người ỉ ôi, “sản phẩm thế kia thì cử động kiểu gì?”, cô Tamara phản ứng: “Cái gì cũng mặc được, có điều là mọi người… có dám mặc hay không thôi!?”. Dĩ nhiên, đây vẫn là băn khoăn của Ánh Phượng chọn lựa thời trang biểu diễn hay ứng dụng.
Các người mẫu của Bùi Nhất Nam là mẹ và những người bạn. Bộ sưu tập Hồi ức cũng rất gần gũi và thân thương. Là chiếc áo chống nắng kín từ đầu tới chân, là hình ảnh của sàn gạch bông thời bao cấp. Chiếc khăn mà mẹ Nam quàng trên cổ tung tẩy trên sàn catwalk. Nhất Nam thú nhận: “Chiếc khăn quàng cổ rách rưới mẹ tôi tự tin quàng trước ngực”. Người mẫu, nhà thiết kế khi ra chào đều uốn éo theo điệu nhạc, bản thân, Nam cho hay từ bé đã thích múa, bị bạn bè trêu chọc, và ngay trong BST, Nhất Nam đã thể hiện câu chuyện của giới tính, của “sự tự do”. BST của Nam kết chương trình như một điệu nhạc, một bản nhạc hoàn chỉnh cho show diễn thời trang tốt nghiệp của trường Cao đẳng London – Thiết kế & Thời trang ( LCDF).
Xu hướng và thông điệp cảnh báo
Nguyễn Thuỳ Linh (blue), sinh năm 1996, đem tới một thông điệp báo động xã hội loài người chìm trong dịch bệnh, con người làm việc kiệt sức, môi trường độc hại và bản thân bầu không khí cũng ô nhiễm. Cảm hứng S.O.S đến từ những tế bào, cơ thể sinh vật lây bệnh được quan sát dưới kính hiển vi. Thuỳ Linh cho hay: “Bộ sưu tập của tôi hướng tới thị trường thời trang đường phố tại Việt Nam, với đối tượng khách hàng nam và nữ trẻ tuổi, cá tính và phá cách. Xuyên suốt bộ sưu tập, tôi sử dụng các chi tiết thiết kế như mũ trùm đầu, dáng vai rộng cùng với những đường cắt mở táo bạo và phom dáng cứng rắn lạ mắt. Ngoài ra, các kỹ thuật đính hạt, xử lý bề mặt vải được tôi kết hợp với chất liệu PVC, TPU, giả da, jersey, nhung và ni lông với gam màu đen chủ đạo để thể hiện hiệu ứng những vết thương và bề mặt mầm bệnh trong thiết kế của mình”.
“Các nhà thiết kế trẻ này thật cá biệt, điên rồ, và có những cống hiến thực sự cho ngành thời trang của Việt Nam”.
Một thầy giáo hướng dẫn phải thốt lên
Trước mỗi phần trình diễn, các nhà thiết kế trẻ đã dựng video-clip chừng hai phút để giới thiệu trước. Tuy nhiên, tận mắt ngắm và nhìn sàn diễn sát gần, từng chi tiết đều hiển hiện khá thú vị, chuyên nghiệp. 9 góc nhìn là cách thiết kế thời trang bất quy tắc, kể từng câu chuyện khác biệt, muôn màu của cuộc sống.
Sức sống của Võ Thanh Thuỷ, sinh năm 1992 lấy cảm hứng từ sức sống mãnh liệt của loài thực vật trong điều kiện sống khắc nghiệt của thiên nhiên. BST liên tưởng tới những phụ nữ mạnh mẽ, vượt qua định kiến. Thuỷ có cái nhìn độc đáo về thời trang, như những sợi ni lông Thuỷ sẽ đan thành áo/váy. Kĩ thuật đan len đã kết hợp với nhiều chất liệu đặc biệt khác, tạo ra bề mặt sần sùi, thô nhám. Tông xanh là chủ đạo, có kết hợp với vàng, trắng và đen. Thanh Thuỷ hạnh phúc và tự hào “khi đã mang cái tôi thời trang của mình đến gần hơn với công chúng”.
Lưu Thị Lan chọn văn minh Ai Cập cổ đại cho Đôi cánh biểu đạt cho tự do và sức chiến đấu mạnh mẽ. Lưu Thị Lan rất thật cho biết, “Bản thân em cũng từng phải loay hoay, phải từ bỏ và chiến đấu để có thể đạt được ước mơ đứng trên sàn catwalk. Chính vì vậy, em đã mượn hình ảnh đôi cánh nhằm cổ vũ các bạn trẻ, hi vọng các bạn có động lực để vượt qua những khó khăn tìm đến ước mơ của mình”. Ở đó, Lưu Lan đã chọn những chất liệu cứng cáp, đường cắt xẻ dứt khoát… đúng sự mạnh mẽ, dám đấu tranh giành lấy ước mơ của giới trẻ.
Một Nguyễn Vũ Quỳnh Phương Bí ẩn lưu giữ vẻ đẹp thời trung cổ qua thời trang, Nguyễn Thuỳ Linh Quỷ dạ hành thiện ác từ những bức tranh nổi tiếng của Nhật Bản. Hoàng Hồng Hải Thế giới tối gửi thông điệp ý nghĩa chống bạo hành trẻ em. Tất cả đều đem tới một sức trẻ, một dấu ấn bí ẩn của ước mơ và đam mê. Những người mẫu chuyên nghiệp đầy tự hào, hứng khởi khi được trình diễn những thiết kế báo cáo tốt nghiệp. Đủ tự tin để những bộ sưu tập của họ được vươn ra thế giới trong một ngày không xa.
Lễ tốt nghiệp của các nhà thiết kế trẻ năm 2017 đồng thời là năm thứ 6 liên tiếp họ đã đem “Áo mới đến trường” cho cộng đồng. Năm 2017, trường LCDF đưa 35 triệu đồng bằng các sản phẩm thiết kế, sản xuất trang phục cho trẻ em, cùng nhu yếu phẩm đến trường Tiểu học Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An giúp học sinh đủ ăn, đủ mặc những ngày tới trường.