KHÔNG CÓ GIẢI THƠ
Trong 111 cuốn sách gửi về dự giải có tới 60 cuốn văn xuôi, thơ 35 cuốn. Kết quả giải cho tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân, thơ trắng bảng. “Không khí trao đổi, tranh biện với từng tập thơ của hội đồng chung khảo còn sôi động hơn cả văn xuôi, khẳng định được những mặt tích cực của từng nội dung, thi pháp của các tác giả thơ năm nay. Thơ vẫn đang tiệm tiến”, nhà thơ Trần Quang Quý nói.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên BCH Hội cho rằng, tập thơ Tự do của Hoàng Xuân Tuyền với giọng điệu đặc trưng, tính phản biện thế sự rất lớn, đáng ra xứng đáng. Năm tác phẩm đưa lên BCH gồm Tự do (Hoàng Xuân Tuyền), Mùa trong gốm (Lê Anh Phong), Canh chừng lãng quên (Vương Cường), Chi chi chành chành (Tô Thi Vân) và Cây chuyển mùa (Vũ Từ Trang). Phiếu bầu cao của hội đồng thơ nhưng vẫn bị BCH Hội Nhà văn Hà Nội gạt, vì có dấu hiệu giọng thơ mới nhưng “da thịt” của cảm xúc hơi mỏng. “Đây là sự đổi mới của Hội Nhà văn Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm thơ: Tác phẩm muốn vào chung khảo phải đạt 75% số phiếu của BCH”, Nguyễn Việt Chiến nói.
Hội đồng lại đánh giá tốt mảng tiểu thuyết, nhất là tác phẩm được giải của Tô Hải Vân, viết về nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống hiện tại. “Với kết cấu đa chiều, lồng ghép giữa không gian và thời gian, truyện lồng truyện, Tô Hải Vân gói trọn cả một thế giới nhân gian phong phú, với muôn vàn câu chuyện vừa bi hài, có lý nhưng cũng vô lý một cách hóm hỉnh”, Trần Quang Quý đánh giá. Hồi ức lính 700 trang của Vũ Công Chiến được tặng thưởng Tác phẩm đầu tay với số phiếu tuyệt đối 8/8. Trong xu hướng nở rộ của hồi ký chiến tranh, tác phẩm đọc rất lôi cuốn, hấp dẫn vì “những trang viết giản dị, trung thực và ngồn ngộn tư liệu, chi tiết đời sống lạ lùng của những người lính chiến. Ở đây không thiếu những trang viết hóm hỉnh mà rất lính”.
THÊM KỲ VỌNG
Thời điểm Nguyễn Thị Thu Huệ đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhiều hội viên bày tỏ sự trông đợi ở BCH mới. Nhận ghế Chủ tịch, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng hứa hẹn “chăm lo người già, mời gọi người trẻ”. Mới qua bốn tháng hoạt động, Chủ tịch Thu Huệ chỉ kịp nêu sơ qua khối lượng công việc như xây dựng kế hoạch tài chính, giải quyết tồn đọng, củng cố trụ sở và văn phòng làm việc tại 19 Hàng Buồm...
33 hội viên mới được kết nạp sáng 10/12, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mừng vì những cái tên chuyên nghiệp của Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Như Phong, Đỗ Hàn xin vào Hội. “Tôi cho rằng số hội viên vẫn đông nhưng cũng thu lại so với mọi năm. Chất lượng đợt này khá cao, đến ông Nguyễn Quang Thiều là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhưng vẫn xin tham gia. Tuy nhiên vẫn còn thiếu những người trẻ, đến như nhà thơ Như Phong cũng thừa nhận anh từng này tuổi vẫn được gọi là hội viên trẻ. Tôi tin Hội Nhà văn Hà Nội thu hút người trẻ tốt hơn Hội Nhà văn Việt Nam. Không khí lễ trao giải, tổng kết này có dấu hiệu để hy vọng. Anh em hội viên đều vui, không phải tổ chức lớn mọi người vui đâu, đó là do cách làm có chất lượng thì mọi người ủng hộ thôi”, Vũ Quần Phương nói.
Người đứng đầu Hội Nhà văn Hà Nội cho biết trong hàng trăm hồ sơ được chuyển đến, BCH chỉ xét duyệt 33 trường hợp. “Nhiều hội viên chưa được kết nạp vì số phiếu chưa quá bán, trong đó có nhiều hội viên thơ”, Nguyễn Thị Thu Huệ nói. “Hội sẽ đầu tư chiều sâu cho các nhà văn có khả năng viết và trình đề cương tác phẩm tốt, tạo điều kiện cho các nhà văn đi thực tế. Cuộc sống bây giờ diễn biến rất nhanh, những nhà văn cao tuổi khó tiếp cận được với hiện thực cuộc sống, đặc biệt là tâm lý những người trẻ. Văn học cũng cần hướng về những người trẻ”, Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Sĩ Đại nói.
Ngoài ba giải chính thức dành cho Tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân, lí luận phê bình Trang sách mạch đời (Phạm Khải), tác phẩm dịch Búp bê (Nguyễn Chí Thuật), BCH trao Tặng thưởng Tác phẩm đầu tay cho Hồi ức lính của Vũ Công Chiến. Tác giả vui mừng và bất ngờ: “Tôi nghĩ rằng cuốn sách thô, mộc mạc không có thủ thuật văn học nhưng được các anh chị trong Hội ưu ái. Tôi cũng hiểu rằng việc trao giải thưởng này cũng là cách để những cuốn sách viết về chiến tranh được đến với bạn đọc, để thế hệ sau không quên sự hy sinh bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ đi trước”.