Từ chống kẹt xe…
TS Hà Việt Uyên Synh (Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế TPHCM) cho biết, từ năm 2013 đã cùng các đồng sự trong nhóm nghiên cứu Thị giác Máy tính và Xử lý ảnh của Đại học Quốc tế đề xuất giải pháp giám sát phương tiện giao thông bằng camera tĩnh. Ban đầu, nhóm nghiên cứu sử dụng thuật toán trừ phông nền nhằm nhanh chóng trích tách các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, những thuật toán cho ra độ chính xác cao thì chạy rất chậm, những thuật toán chạy nhanh thì chất lượng kém. Các phương tiện cơ giới lớn khi di chuyển trên đường gây rung lắc các camera…
Nhóm đã mày mò, phát triển một thuật toán trừ phông nền mới tự cập nhật cách thức xử lý khi các yếu tố ngoại cảnh thay đổi như: thay đổi độ sáng, độ rung của camera, mật độ đối tượng thay đổi. Khi thử nghiệm thuật toán này với các tập dữ liệu chuẩn của quốc tế và các dữ liệu giao thông tại Việt Nam, thuật toán được đề xuất luôn, trả về kết quả luôn nằm trong nhóm 3 thuật toán tốt nhất và đây là thuật toán trừ phông nền chạy nhanh nhất hiện nay.
Hệ thống có thể phân lớp và đếm xe trong điều kiện xe đông, mật độ chồng lấp giữa các phương tiện lớn. Giải pháp nêu trên đã và đang được vận hành thí điểm với mạng lưới 35 camera xuyên suốt Đại lộ Võ Văn Kiệt từ giữa năm 2017 đến nay. Các máy trạm xử lý và lưu trữ thông tin được lắp đặt và bố trí tại Trung tâm Quản lý đường hầm vượt sông Sài Gòn. Sau hơn 1 năm vận hành thí điểm, giải pháp cho thấy tính ổn định và tương thích cao, phù hợp với các điều kiện về hạ tầng viễn thông và tính chất giao thông tại TPHCM. Hệ thống có thể nhận diện phương tiện theo thời gian thực chính xác tới 84% trong điều kiện bất lợi như đông xe hay thiếu ánh sáng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, việc đo đếm, phân tích lưu lượng, mật độ, vận tốc dòng giao thông tại các đô thị có đặc thù giao thông hỗn hợp với thành phần xe máy chiếm chủ yếu để có giải pháp điều tiết giao thông với các công cụ phân tích truyền thống như vòng từ, ống hơi hay cảm biến áp điện... như trước kia là không khả thi. Hiện nay, hệ thống phân tích dữ liệu giao thông theo thời gian thực Sở GTVT đang triển khai thực hiện thông qua camera thu thập dữ liệu đạt đến mức độ chính xác trên 90% trong các điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp. Ngoài chức năng giám sát, điều hành giao thông trực tuyến, hệ thống còn hỗ trợ phân tích các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (vi phạm tốc độ, lấn làn, ngược chiều, lưu thông trên vỉa hè…) để xử phạt “nguội” các phương tiện vi phạm.
“Với 775 camera giám sát giao thông lắp đặt rộng khắp các tuyến đường trọng điểm, các nút giao thông phức tạp, hệ thống phân tích, giám sát giao thông tự động đang được Sở GTVT triển khai kịp thời phát hiện, bố trí lực lượng điều tiết, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng như cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực cho người dân”, ông Lâm cho hay.
Ðến điều trị ung thư, đột quỵ…
Theo BS CKII Võ Đức Hiếu (Bệnh viện Ung bướu TPHCM), bệnh viện đã triển khai thử nghiệm hệ thống phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn, đưa ra phác đồ điều trị bệnh ung thư phù hợp với người bệnh. Tại Việt Nam, Bệnh viện Ung bướu TPHCM là 1 trong 3 bệnh viện được Bộ Y tế chọn tham gia thử nghiệm ứng dụng phần mềm này.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã thử nghiệm phần mềm này trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%. Phần mềm AI hỗ trợ hầu hết các giai đoạn của ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Mức độ tương đồng cao nhất giữa phác đồ điều trị của bệnh viện và phần mềm AI trong ung thư vú là ở giai đoạn II, III, còn trong ung thư đại trực tràng, mức độ tương đồng cao nhất là giai đoạn IV.
Bệnh viện cũng áp dụng hệ thống phần mềm hệ thống IBM WFO thực hành lâm sàng trên 151 ca bệnh. Tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ điều trị đang áp dụng và phác đồ hệ thống IBM WFO đưa ra là 80,3%, trong đó tỷ lệ tương đồng của ung thư vú là 71%, của ung thư đại trực tràng là 88,1%. Theo BS Hiếu, hệ thống giúp các bác sĩ có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thông tin và hạn chế sai sót trong quá trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu rất nhanh.
Về ứng dụng AI tại các cơ sở khám chữa bệnh, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, Bệnh viện Bình Dân đã triển khai phẫu thuật Robot ngoại tổng quát Da Vinci (Mỹ) từ tháng 11/2016 và đến nay đã phẫu thuật 687 bệnh nhân với nhiều bệnh lý phức tạp. Trong khi đó, Bệnh viện Nhân Dân 115 triển khai phẫu thuật Robot thần kinh Modus V Synaptive từ tháng 2/2019, đến nay đã phẫu thuật 7 bệnh nhân với nhiều bệnh lý não phức tạp.
“Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là hai đơn vị đầu tiên tại Việt Nam lắp đặt và triển khai toàn bộ phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới trong đột quỵ não cấp lên đến 24 giờ. RAPID được sử dụng tại các trung tâm đột quỵ hàng đầu tại Mỹ và Việt Nam là nước đứng thứ 3 (sau Thái Lan và Indonesia) mua được bản quyền. Ứng dụng này giúp xác định rõ thể tích vùng lõi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương và hoại tử trong những giờ tiếp theo giúp cho các bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác hơn”, BS Thượng nói.
PGS. TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TPHCM, cho biết, một số khoa, phòng thí nghiệm đang nghiên cứu, ứng dụng AI để theo dõi, dự báo mực nước, ngập lụt; thu thập dữ liệu qua vệ tinh, camera, báo chí, mạng xã hội... để phát hiện những nơi có thể xảy ra lũ lụt, hạn hán nhằm nhanh chóng cảnh báo, đề xuất giải pháp.