Đó là thông tin được Bộ Tài chính cho biết tại hội nghị với bộ ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 1/7.
Năm 2022, Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài (vốn ODA) ở mức 34.800 tỷ đồng. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis của kho bạc Nhà nước 33.289 tỷ đồng, đạt 95,66% kế hoạch vốn được giao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn được giao (trong đó, bộ ngành đạt 16,12%, địa phương đạt 5,38%).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương quan tâm. Nhất là trong bối cảnh, năm 2022 Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch.
“Nguyên nhân chủ quan của việc chậm giải ngân ODA rất quan trọng, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện. Cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau nhưng có địa phương, bộ ngành lại có kết quả giải ngân cao, nhưng lại có bộ, ngành địa phương giải ngân thấp, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn lưu ý.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Trong đó, dự án chưa có khối lượng hoàn thành do các nguyên nhân như: Chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu); Dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; Dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án; Ảnh hưởng thời tiết, bão lũ, sạt lở, dự án không triển khai được....
“Một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân...
Hà Nội có dự án đường sắt nội đô bị chậm tiến độ (Ảnh minh hoạ) |
Bộ Tài chính đề nghị chủ dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), đảm bảo việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền.
Đồng thời, chủ dự án, Ban quản lý dự án hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.