Từ 2016 đến nay, giá sơ cấp tăng 5% mỗi năm, với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn cung đang dần chuyển dịch tới các khu đô thị mới xa hơn. Triển vọng Quý 4/2020 cho thấy dẫn đầu nguồn cung tương lai là huyện Gia Lâm với 38% thị phần và Từ Liêm với 37% thị phần.
Giải mã hiện tượng giá nhà tăng bất chấp
Lý giải vì sao giá nhà đất vùng ven đô tăng phi mã, các chuyên gia cho rằng, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì việc các chủ đầu tư các dự án này đưa ra mức giá như vậy là có lý do.
Thứ hai, hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng từ khu vực trung tâm thành phố ra đến các dự án ven đô đang được cải thiện khá rõ ràng, khiến các chủ đầu tư có thể xem xét nhóm yếu tố này để đưa ra những mức giá đáng chú ý như vậy trên thị trường Hà Nội.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 66 trong số 144 quốc gia về hạ tầng giao thông vận tải, và trong các nước ASEAN thì Việt Nam có mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng cao thứ hai chỉ sau Indonesia. Các mức giá đang được thông báo là mức dự kiến. Các chủ đầu tư sẽ cần thêm thời gian để quyết định có điều chỉnh hay giữ nguyên các mức giá này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Bộ phận kinh doanh nhà ở, Savills Hà Nội cho rằng giá nhà ở tại các phân khúc đang ở mức tương đối hợp lý.
Trong tương quan với thị trường TPHCM, thị trường Hà Nội, thậm chí ở khu vực trung tâm, chưa từng ghi nhận mức giá lên đến 7.000 USD/ m2 hay 10.000 USD/ m2. Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường phục hồi dần dần, khách mua sẽ có tâm lý trông đợi các sản phẩm mới với các ưu đãi tốt về chính sách bán hàng. Vì vậy, dễ hiểu rằng phía các chủ đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng đến chiến lược bán hàng nhìn trong các giai đoạn nhất định - từ 6 tháng, 1 năm đến 2 năm hoặc vài năm cho những dự án quy mô lớn.
“Giá sơ cấp trong thị trường nhà ở vẫn tăng đều mỗi năm và không hề giảm trong năm 2020 bất chấp tác động của hai làn sóng dịch bệnh. Hiện tượng giảm giá nhà ở thường thuộc về các giao dịch thứ cấp, những dự án đã hiện hữu hoặc đã “ra hàng” trên thị trường cách đây 1 hoặc vài năm. Với nhóm hàng tồn kho thì phía bán sẽ cần đưa ra những chính sách bán hàng với ưu đãi hấp dẫn để thanh lý nhóm hàng đó. Những dự án mới sẽ khó có chính sách bán hàng giá sốc hoặc hoạt động cắt lỗ”, ông Thêm khẳng định.
Ông Thêm nhận định, trong những tháng cuối năm, thị trường chung cư dự kiến sẽ diễn biến sôi động hơn so với những quý trước khi một số chủ đầu tư chính thức ra hàng sau thời gian dài chờ đợi.
“Thị trường ghi nhận khoảng 10.000 căn hộ từ một dự án hiện tại và 11 dự án trong tương lại sẽ ra mắt, hạng B sẽ tiếp tục dẫn đầu về mặt sản phẩm. Dòng sản phẩm có giá dưới 20 triệu đồng/m2 vẫn sẽ không có nhiều sự lựa chọn”, ông Thêm nhìn nhận.
Đề xuất nhà ở thương mại giá rẻ chỉ 20 triệu đồng/m2
Cho ý kiến về việc giá nhà hiện nay còn cao so với thu nhập của người dân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, giá cả trong lĩnh vực bất động sản do thị trường quyết định. Để kéo giá nhà về tầm tay người dân, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng cần tăng lượng cung cho nhà xã hội, nhà giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để tăng lượng cung nhà ở giá rẻ, Bộ này đã có đề xuất một cơ chế chính sách cho nhà ở thương mại giá rẻ với khung giá từ 20-28 triệu đồng/m2, và cho phép diện tích xây dựng là dưới 45m2.Theo ông Hùng, với chính sách này có thể kỳ vọng sẽ tạo ra được nhiều nguồn cung với mức giá ở dạng trung bình, đáp ứng vừa mức thu nhập mà đại đa số những người lao động, công nhân viên chức có mức thu nhập trung bình ở đô thị có thể mua được.