Giải mã đối thủ của U23 Việt Nam ở chung kết giải châu Á

Giải mã đối thủ của U23 Việt Nam ở chung kết giải châu Á
TPO - Có thể hình và thể lực vượt trội các đối thủ nhưng U23 Uzbekistan lại không hề lạm dụng sức mạnh. Trái lại, đoàn quân của HLV Ravshan Khaydarov chơi cực kỳ kỹ thuật, với chiến thuật hiện đại và cách tiếp cận trận đấu như một đội bóng châu Âu

Cũng giống như U23 Việt Nam, ở trận ra quân, U23 Uzbekistan cũng nhận thất bại khi phơi áo 0-1 trước U23 Qatar. Và cũng giống như đoàn quân của HLV Park Hang-seo, đội bóng Trung Á này đã đứng dậy mạnh mẽ sau thất bại để tạo ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Họ lần lượt đánh bại chủ nhà Trung Quốc và U23 Oman ở vòng bảng để giành vé vào tứ kết. Tại đây, U23 Uzbekistan tạo ra cú sốc lớn cho giới mộ điệu châu Á khi đánh bại ĐKVĐ Nhật Bản tới 4-0. Và đến khi đội bóng này quật ngã U23 Hàn Quốc - ứng cử viên số 1 cho chức vô địch - tới 4-1 ở bán kết thì có lẽ ai cũng hiểu đấy không còn là bất ngờ nữa. U23 Uzbekistan mạnh thực sự. Họ mạnh toàn diện và sẽ là ngọn núi cao nhất mà U23 Việt Nam từng đối mặt ở vòng chung kết U23 châu Á năm nay.

Giải mã đối thủ của U23 Việt Nam ở chung kết giải châu Á ảnh 1

Đoàn quân của HLV Ravshan Khaydarov thường xuất phát với sơ đồ 4-2-3-1 với 2 tiền vệ trung tâm là số 6 (Ganiev) và số 7 (Khamrobekov) có khả năng đánh chặn và phát động tấn công đều tốt. Sức mạnh của họ được trải đều khắp các tuyến nhưng vẫn có thể nhận thấy sự lợi hại của họ ở hai biên. Đôi cánh với số 17 (Khamdanov) bên trái và số 8 (Yakhshibaev) bên phải là nơi cung cấp nhiều nhất những pha hãm thành nguy hiểm của đội bóng này. Bản thân tiền vệ Yakhshibaev cũng đang là chân sút số 1 của U23 Uzbekistan ở VCK năm nay với 3 bàn thắng. Chắc chắn, cầu thủ này sẽ là mối đe dọa lớn tới cánh phải cũng như hàng phòng ngự của U23 Việt Nam.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng cứ “bắt chết” Yakhshibaev là hóa giải được sức mạnh của U23 Uzbekistan. Như đã đề cập, đây là đội bóng rất toàn diện với lối chơi và cách tiếp cận trận đấu cực kỳ hiện đại. Họ có rất nhiều mũi nhọn khi góp tên trên bảng thành tích ghi 10 bàn ở VCK lần này là 7 cầu thủ khác nhau. Họ có nhiều phương án triển khai lối chơi, từ phối hợp nhỏ ở trung lộ cho tới bóng dài và đá biên, tất cả đều được thực hiện nhuần nhuyễn với chất lượng cao. Đó là chưa kể mỗi khi bế tắc, đội bóng này còn một thứ vũ khí lợi hại để giải quyết là những cú sút xa như búa bổ, mà bàn thắng vào lưới U23 Hàn Quốc từ cự ly 30m của Ganiev (số 6 bên phía Uzbekistan) minh chứng.

Trong khi đó, việc mới thủng lưới 2 bàn sau 5 trận đã cho thấy kỹ năng phòng thủ của Uzbekistan không phải dạng vừa. Họ sẵn sàng bóp nghẹt mọi ý đồ triển khai tấn công của đội bạn từ trứng nước bằng lối chơi pressing ngay trên phần sân đối phương, đá áp sát và quây rất rát mỗi khi cầu thủ đội bạn có bóng. Nhìn cách những cầu thủ rất bản lĩnh của Hàn Quốc, Nhật Bản bị mất bóng khá dễ dàng trước màn truy bắt của đông đảo cầu thủ Uzbekistan là có thể thấy, áp lực mà họ tạo ra trong các tình huống pressing nghẹt thở cỡ nào.

Dù vậy, U23 Uzbekistan không phải không có điểm yếu. Chẳng hạn, việc đội bóng này luôn dâng cao pressing cũng là con dao hai lưỡi vì nếu như không đoạt bóng thành công, họ hoàn toàn có thể bị trừng phạt bởi những đường chuyền xuyên tuyến lợi hại, từ chân của Xuân Trường chẳng hạn. Hơn nữa, từ đầu giải, họ chưa từng gặp một đối thủ nào chơi phòng ngự phản công sắc bén như U23 Việt Nam, chưa từng gặp đối thủ nào kiên cường, lỳ lợm như U23 Việt Nam, chưa từng đấu trí với một nhà cầm quân nào có cách bài binh bố trận và thay người “cao tay” như HLV Park Hang-seo.

Giải mã đối thủ của U23 Việt Nam ở chung kết giải châu Á ảnh 2

Chạm trán một đối thủ như thế ở chung kết, chắc chắn sẽ đem đến những áp lực mà U23 Uzbekistan chưa từng có kinh nghiệm xử lý. Dù U23 Việt Nam từng thua U23 Uzbekistan 1-2 ở giải giao hữu M-150 Cup tại Thái Lan hồi tháng 12, nhưng ở Thường Châu lúc này là một U23 Việt Nam rất khác. Với tinh thần lên cao chưa từng có, với sự tự tin và tâm lý thoải mái của những người vừa bước lên đỉnh Himalaya, các học trò của thầy Park Hang-seo hoàn toàn có thể làm nên những điều kỳ diệu, mà U23 Uzbekistan có nằm mơ cũng không tưởng tượng ra.

Đi nhanh về chậm

Năm 1994, đội tuyển Uzbekistan (lúc đó vừa tách khỏi Liên Xô và gia nhập đại gia đình bóng đá châu Á) đã lần đầu trình làng với giới mộ điệu châu Á tại một giải đấu lớn là Asiad 1994 ở Nhật Bản. Họ toàn thắng 7 trận, thắng cả 2 đội mạnh nhất châu Á khi ấy là Saudi Arabia và Hàn Quốc để giành HCV. Sau giải đấu ấy, ai cũng nghĩ rằng, tương lai của bóng đá châu Á sẽ phủ bóng bởi Uzbekistan. Nhưng đời không như mơ. Kể từ chiến công bất ngờ ấy, bóng đá Uzbekistan vẫn chỉ dừng ở mức là kẻ cạnh tranh tiềm năng với những đại gia Đông Á và Tây Á khi chưa thể giành thêm chiếc cúp nào của châu lục, vẫn là kẻ ngoài lề trong các cuộc đua tranh vé World Cup của châu Á. Đi nhanh mà về chậm, bóng đá Uzbekistan cũng không phải người khổng lồ thực thụ để chúng ta phải e dè ở trận chung kết U23 tới đây.

MỚI - NÓNG