Giải mã cơ quan tình báo quyền lực nhất Canada

Trụ sở CSEC hiện nay ở Ottawa.
Trụ sở CSEC hiện nay ở Ottawa.
Cơ quan tình báo tín hiệu của Canada (CSEC) đang được Canada đầu tư phát triển để có thể trở thành một tổ chức tình báo cạnh tranh với  Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Giới chức lãnh đạo CSEC ngày nay đang nhắm đến tham vọng "kiểm soát Internet" từ hệ thống máy tính ở Ottawa. Năm 1999, ngân sách dành cho CSEC là 96,3 triệu USD với nguồn nhân lực chỉ có 900 người. Năm 2013, ngân sách CSEC đã vọt lên đến gần 500 triệu USD và nhân lực cũng tăng hơn 2.000 người.

Cách đây hơn 7 thập niên, người ta chỉ biết đến một cơ quan tình báo Canada có nhiệm vụ phá mật mã của người Nga, nên sau khi Liên Xô tan rã thì tổ chức này trở nên mất phương hướng hoạt động.

Nhưng hiện nay bộ máy tình báo rệu rạo ngày xưa của Canada đã mang bộ mặt mới, trở thành tổ chức CSEC quyền lực song hành với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mở rộng phạm vi gián điệp ra toàn cầu với những chương trình nghe lén, chặn tín hiệu và xâm nhập các mạng máy tính mục tiêu.

Chạy đua cạnh tranh với NSA

Những tiết lộ của Edward Snowden cho thấy, hiện nay tình báo Canada thật ra không nhắm vào Al-Qaeda mà là những mục tiêu hoàn toàn khác. Tháng 10/2013, Tổng thống Brazil buộc tội Canada phát động "chiến tranh mạng" sau khi lộ thông tin CSEC gián điệp lĩnh vực công nghiệp năng lượng của nước này. CSEC còn bị buộc tội gián điệp các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2010 diễn ra ở thành phố Toronto của Canada với sự trợ giúp của NSA.

John Adams, lãnh đạo CSEC từ tháng 7/2005 đến đầu năm 2012, nằm trong số những người tích cực ủng hộ những nỗ lực "nâng cấp" mạnh mẽ cho CSEC. Trong thời gian 7 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của John Adams, ngân sách của CSEC đã tăng gấp đôi - từ 200 đến 400 triệu USD.

Nổi tiếng là "Lâu đài bí ẩn", tổng hành dinh tương lai của Cơ quan tình báo tín hiệu quyền lực của Canada (CSEC) được tin là một trong những khu nhà chính phủ đắt tiền nhất từng được xây dựng. Sắp tới, đội ngũ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của CSEC sẽ dọn từ trụ sở cũ gần Trường Đại học Carleton ở Ottawa đến khu phức hợp mới hoành tráng trị giá 1 tỉ USD.

Theo lý giải của Adams, tình báo điện tử cần rất nhiều tiền để bảo vệ các hệ thống mạng của chính quyền trước sự tấn công của hacker, vận hành một số siêu máy tính mạnh nhất thế giới và lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Thậm chí, Adams còn thuê các nhà toán học hàng đầu thế giới với mức lương còn cao hơn cả ông để làm việc cho CSEC, giúp cơ quan này phá mật mã tốt hơn. Mục đích của John Adams cũng ngầm cạnh tranh với NSA của Mỹ.

Bất chấp sự khác biệt quá lớn về tầm vóc, mối quan hệ giữa CSEC và NSA vẫn khăng khít đến mức đội ngũ chuyên gia phân tích của CSEC ở Ottawa có thể khai thác các cơ sở dữ liệu về giao tiếp trên Internet được thu thập đầu tiên tại trụ sở NSA ở Fort George G. Meade, bang Maryland - những kho chứa các tên mã như là "Marina" và “EvilOlive” -theo tờ The Globe and Mail của Canada. CSEC cũng có một nhóm "khách hàng" đói thông tin tình báo trong Chính phủ Canada.

Một tài liệu mật mà tờ The Globe có được tiết lộ: "CSEC cung cấp thông tin tình báo cho trên 100 khách hàng trong chính quyền, bao gồm Hội đồng cố vấn Canada, Bộ Ngoại vụ và Thương mại quốc tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, CSIS và Lực lượng Cảnh sát kỵ mã Hoàng gia Canada (RCMP)".

Nhà sử học quân sự Mỹ Matthew Aid nhận định: "NSA đánh chặn số lượng thông tin tín hiệu có quy mô cỡ 4 thư viện Quốc hội Mỹ trong mỗi giờ. Nhưng, một trong những khả năng mà Canada có thể hoàn thành rất tốt là phân tích dữ liệu".

Hoạt động không có sự giám sát

Từ thập niên 40, CSEC và NSA hợp tác chặt chẽ với các đồng minh thân cận như Anh, New Zealand và Australia lập thành một nhóm tình báo hợp nhất gọi là "Five Eyes".

Theo một tài liệu của CSEC mà tờ The Globe có được, "Canada hưởng lợi rất lớn" từ các đối tác trong "Five Eyes". Ở Anh và Mỹ, bộ máy tình báo luôn bị các ủy ban và tổ chức chính trị dò xét, nhưng ở Canada không có cơ cấu như thế.

Nghị sĩ đảng Tự do Canada Wayne Easter cũng khẳng định: "Canada là quốc gia duy nhất trong Five Eyes không có loại giám sát như thế".

Ở Anh, 9 nghị sĩ được ủy quyền giám sát các cơ quan tình báo trong nước. Ở Mỹ, NSA phải đối mặt với nhiều sự "dòm ngó" từ các ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện. Các thẩm phán đặc biệt của các tòa án giám sát tình báo nước ngoài cũng cẩn thận "để mắt" đến các chương trình gián điệp của NSA. Bất chấp những điều đó, NSA vẫn tỏ ra là một cơ quan tình báo ngày càng lạm quyền, đồng thời có nhiều mánh khóe để né tránh mọi sự theo dõi.

Trong vài thập niên, sự tồn tại của CSEC luôn được coi là tuyệt mật. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, người Canada lần đầu tiên biết đến CSEC thông qua một chương trình trên tivi. Năm 2001, Quốc hội Canada thông qua Luật Chống khủng bố bao gồm nhiều mục kiểm soát CSEC - ví dụ như cấm cơ quan này giám sát các phương tiện viễn thông mà không có sự thông báo trước. Trong khi cảnh sát phải có lệnh của thẩm phán mới được theo dõi công dân Canada thì CSEC chỉ cần xin phép Bộ trưởng Quốc phòng.

Luật Chống khủng bố của Canada cũng cho phép các cơ quan an ninh liên bang khai thác các kỹ năng độc đáo của CSEC trong những cuộc điều tra nội địa. Các tài liệu mà tờ The Globe có được cho thấy CSEC nhận được khoảng 70 đến 80 yêu cầu như thế mỗi năm từ RCMP, CSIS và các cơ quan khác.

Sau này, mặc dù Edward Snowden tiết lộ nhiều chương trình gián điệp của NSA liên kết với các đối tác trong nhóm Five Eyes, nhưng giới chức CSEC vẫn một mực từ chối trả lời những câu hỏi về các chương trình của cơ quan. Gần đây, Hiệp hội Quyền công dân British Columbia của Canada đang tích cực điều tra về những chương trình gián điệp được coi là bất hợp pháp của CSEC và đe dọa sẽ tiết lộ công khai những chi tiết quan trọng về các hoạt động của CSEC.

Về phần mình, Giám đốc của CSEC - John Forster - tuyên bố ông không thể đi sâu vào các chi tiết về những hoạt động của CSEC đồng thời nhấn mạnh công dân Canada không là trọng tâm trong các hoạt động gián điệp họ

Theo Trang Thuần
Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG