Ngày 24/1, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho biết, ngay khi nhận được thông tin người dân xã Nguyễn Trãi (huyện Ân Thi) phát hiện được chiếc chuông cổ ở thôn Nhân Vũ, Bảo tàng tỉnh đã cử đoàn cán bộ chuyên môn về thu thập những thông tin, dữ liệu, tài liệu liên quan.
Cùng ngày, chúng tôi đã về tận chùa Liên Hoa, ngôi chùa đang là nơi lưu giữ chiếc chuông cổ từ ngày nó được phát hiện, và tại đây, nhiều thông tin ban đầu liên quan đến chiếc chuông này đã dần được giải mã.
Trước đó, vào ngày 18/1, tại một mảnh ruộng cũ cách Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền thờ nữ tướng Ngọc Chi (danh tướng thời Hai Bà Trưng) khoảng 40m, người dân dò tìm kim loại đã phát hiện ra chiếc chuông được cho là có niên đại hàng nghìn năm?
“Từ ngày phát hiện chiếc chuông quí, không chỉ người dân trong thôn Nhân Vũ, trong xã Nguyễn Trãi, mà đông đảo người dân ở các địa phương lân cận cũng tò mò kéo đến. Nhất là lúc mới đầu nghe tin, người dân kéo đến xem đông kín chùa. Vài ba ngày sau đó, còn có những người ở tỉnh khác cũng đến để được chiêm ngưỡng tận mắt chiếc chuông cổ” - ông Đặng Xuân Hậu, Trưởng thôn Nhân Vũ cho biết.
Chuông có chiều cao hơn một mét, đường kính khoảng 60cm, nặng hơn 2 tạ. Chúng tôi huy động 20 thanh niên trong làng khiêng chuông lên xe để đưa về chùa lưu giữ” – ông Hậu kể.
Sau khi được rửa sạch và treo tại chùa Liên Hoa, những điểm độc đáo, khác lạ của chiếc chuông đã dần dần được giải mã phần nào. Nếu dùng pin soi vào, sẽ thấy chuông ánh lên những ánh kim như của vàng cám. Nếu soi vào ban đêm, thì những ánh kim ấy hiện lên lấp lánh, rất đẹp.
Là người đi nhiều nơi và đã tiếp xúc với nhiều kiểu, loại chuông, sư thầy Thích Thiện Duyên (chùa Liên Hoa) cho biết, cách bố trí hoa văn và biểu tượng của chiếc chuông này rất hiếm thấy. “Phần đế của chuông có hình 53 cánh sen tạo thành một đài sen, và trên đỉnh chuông là búp sen.
Phần quai để treo chuông được làm bằng hình tượng 2 con Bồ Lao (được quan niệm là 1 trong 9 con của Rồng) gồm tổng cộng 4 chân và 2 đầu chụm lại thành 6 đấu bám chặt vào chóp chuông. Những chiếc chuông bình thường, thường là không có cách cấu tạo đặc biệt như vậy”, sư thầy cho hay.
Sư thầy Thích Thiện Duyên còn giải thích cho chúng tôi, trên phần thân của chiếc chuông có rất nhiều những hình tượng hiếm thấy. Ví dụ như các họa tiết bố trí trên chuông có hình tượng đặc tả như: lưng ngựa chiến cõng rùa; ngà voi dâng bảo kiếm; cá chép cắn đuôi rồng. Bên cạnh đó, chiếc chuông cũng đặc tả nhiều hình tượng khác như hình Phật, hình mây vần vũ, và các con vật quen thuộc khác như con trâu, con rồng,…
Bên cạnh đó, những phần còn lại của chuông là những hàng chữ nho nghiêm ngắn, chiếm một diện tích khá lớn trên bề mặt. Tuy nhiên, do thời gian, rất nhiều phần của chuông đã bị bào mòn lớp vỏ bên ngoài, khiến cho nhiều phần chữ bị mờ, mất một phần hoặc có chỗ bị mất hẳn chữ nên khá khó khăn trong việc dịch để hiểu trọn vẹn về nội dung được in trên chuông.
Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt, là theo sư thầy Thích Thiện Duyên, có một người yêu thích khảo cổ từ TP. Hải Phòng khi đến chùa xem chuông có đưa ra nhận xét rằng, trên chuông có in dòng chữ được dịch ra là: “Mùa đông năm Nhâm Dần”. Từ đây, kết hợp với hình tượng sen, những biểu tượng liên quan đến Phật giáo xuất hiện chủ đạo trên gần như tất cả các phần của chuông, nhiều người đưa ra giả thuyết, rất có khả năng chiếc chuông được đúc từ thời Lý – Trần, giai đoạn mà Phật giáo được coi như Quốc giáo.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Quý, Giám đốc bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho rằng: “Qua phân tích ban đầu, đúng là trên chuông có in dòng chữ năm Nhâm Dần, nhưng chúng tôi còn tiếp tục phải nghiên cứu về chi tiết này, bởi vì theo chu kỳ, cứ 60 năm sẽ có một năm Nhâm Dần. Vì chưa tìm thấy chi tiết nào trên chuông ghi năm Nhâm Dần ở giai đoạn, thời kỳ nào nên chúng tôi chưa thể khẳng định được niên đại của chuông”.
Ông Nguyễn Đức Huận, Bí thư chi bộ thôn Nhân Vũ bày tỏ, rất mong được các cơ quan chức năng, các nhà khảo cổ sớm đưa ra được những thông tin chính xác nhất liên quan đến niên đại cũng như phân tích được những giá trị của chuông để nhân dân sở tại biết được chính xác, từ đó có những hình thức ứng xử phù hợp với chiếc chuông này như bảo tồn, lưu giữ,...
Trao đổi với phóng viên ngày 24/1, ông Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết: “Trong những ngày tới, đơn vị này sẽ có báo cáo trình UBND tỉnh Hưng Yên xem xét về hướng giải quyết đối với chiếc chuông, mà người dân xã Nguyễn Trãi phát hiện ở thôn Nhân Vũ. Trong đó, nhiều khả năng sẽ mời các chuyên gia khảo cổ hàng đầu về để làm rõ và có kết luận chính xác nhất về những vấn đề liên quan đến chiếc chuông”.
Theo Quang Cảnh – Vũ Linh