Giải mã căn bệnh lạ khiến nhân viên ngoại giao thấy âm thanh the thé trong đầu

0:00 / 0:00
0:00
Một nhân viên đang phun thuốc muỗi tại Havana, Cuba năm 2016. Ảnh: CBC.ca
Một nhân viên đang phun thuốc muỗi tại Havana, Cuba năm 2016. Ảnh: CBC.ca
TPO - Năm 2016, một số nhân viên ngoại giao của Mỹ và Canada ở Cuba xuất hiện những triệu chứng của một căn bệnh lạ khiến họ chóng mặt, buồn nôn, suy giảm trí nhớ và lúc nào cũng nghe thấy âm thanh the thé trong đầu, căn bệnh lạ này được gọi tên là Hội chứng Havana. 

Những triệu chứng đặc trưng của người mắc Hội chứng Havana là nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, suy giảm trí nhớ, khó tập trung… Một số người mô tả họ nghe thấy tiếng vo ve hoặc âm thanh the thé trước khi bị ốm.

Một số người còn chịu tác động dai dẳng tới mức phải nghỉ hưu sớm. Căn bệnh được đặt tên là Hội chứng Havana do những trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào năm 2016 tại các sứ quán Mỹ và Canada ở thủ đô Havana, Cuba.

Thời điểm đó, từng có suy diễn rằng các nhân viên ngoại giao này bị phía Cuba tấn công bằng vũ khí âm thanh hoặc một loại vũ khí vô hình nào đó, khiến họ tổn thương não. Những suy diễn ấy khiến phía Mỹ rút phân nửa số nhân viên ở sứ quán tại Havana về nước.

Nhưng một nghiên cứu vào năm 2019 của Canada do nhóm các nhà khoa học tại Halifax liên kết với Trung tâm Điều trị Não bộ, Đại học Dalhousie và Cơ quan Y tế Nova Scotia thực hiện, đã chỉ ra một nguyên nhân khác dẫn tới hội chứng này.

Theo nhóm nghiên cứu, những triệu chứng thần kinh mà các nhà ngoại giao Mỹ và Canada gặp phải có thể do tiếp xúc với thuốc trừ sâu dùng để diệt muỗi - chứ không phải do bị tấn công bằng âm thanh. Giai đoạn cuối năm 2016 là thời kỳ cao điểm của cơn sốt virus Zika do muỗi gây ra và vì thế, có thể các nạn nhân bị phơi nhiễm với thuốc diệt muỗi.

Giải mã căn bệnh lạ khiến nhân viên ngoại giao thấy âm thanh the thé trong đầu ảnh 1

Tiến sĩ Alon Friedman, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư tại khoa Khoa học thần kinh y tế, Đại học Dalhousie cho biết: “Rõ ràng là khi các triệu chứng bắt đầu, tỷ lệ hun trùng ở Cuba đã tăng lên rất nhiều. Điều đó khiến chúng tôi phải làm các xét nghiệm máu để xác nhận rằng một số chất độc có trong máu của các nhà ngoại giao”.

“Việc hun trùng với mật độ và cường độ quá dày có thể gây ra rất nhiều tiếp xúc ngẫu nhiên với chất độc thần kinh”, giáo sư Friedman nói.

Các nhà nghiên cứu đã xác định một vùng não bị tổn thương chịu trách nhiệm về trí nhớ, sự tập trung và chu kỳ ngủ và thức, cùng những thứ khác, sau đó xem xét vùng này có thể tổn thương như thế nào.

Giáo sư Friedman cho biết thêm: “Có các độc tố rất cụ thể ảnh hưởng đến những loại hệ thần kinh này, đó là thuốc trừ sâu, phospho hữu cơ” Friedman nói. "Đó là lý do tại sao chúng tôi tạo ra giả thuyết về nhiễm độc thuốc trừ sâu và tiến hành những nghiên cứu theo hướng này”.

Phospho hữu cơ là gì và cơ chế nhiễm độc thế nào?

Theo bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại (Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam) trên website Bệnh viện 199, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ là những hóa chất trừ sâu có gốc carbon liên kết với các gốc phosphate.

Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc trừ sâu phospho hữu cơ được sản xuất và sử dụng trong nông nghiệp, y tế. Vào cơ thể các hợp chất phospho hữu cơ sẽ gắn rất chặt khó hồi phục (irreversible) với các enzyme acetylcholin esterase, bất hoạt enzyme này khiến acetylcholin không bị phân hủy được nên tích tụ lại rất nhiều và kích thích liên tục các thụ thể (receptor) hậu synapse gây lên hội chứng cường cholinergic, là bệnh cảnh chính của ngộ độc phospho hữu cơ.

Tình trạng cường cholinergic này khiến các bắp cơ bị kích thích gây co liên tục, không thể kiểm soát. Hậu quả là có sự co thắt dữ dội ban đầu, tiếp theo là sự kéo dài khử cực làm phong tỏa thần kinh cơ cuối cùng dẫn đến liệt mềm toàn bộ cơ bắp trong cơ thể, đặc biệt là liệt cơ hoành gây ra cái chết ngạt đau đớn.

Theo CBC News, Saltwire.com
MỚI - NÓNG