![]() |
Một trong những chiếc lông vũ hóa thạch của loài kền kền cổ đại được bảo quản bằng khoáng chất zeolit. (Ảnh: Edoardo Terranova) |
Kền kền Griffon (Gyps fulvus), ban đầu được phát hiện tại quần thể núi lửa Colli Albani ở phía đông nam Rome, Ý, vào năm 1889, được tìm thấy trong tình trạng bảo quản cực kỳ tốt. Kể từ khi phát hiện ra, các nhà nghiên cứu đã bối rối không biết chính xác loài chim này được bảo quản tốt như thế nào.
Giờ đây, trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geology, các nhà nghiên cứu cho rằng sự bảo quản hiếm có như vậy có thể là do các tinh thể nhỏ giàu silicon gọi là zeolit hình thành khi hài cốt của loài chim này bị chôn vùi trong tro từ một ngọn núi lửa đang phun trào.
Các nhà khoa học cho biết đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy các mô mềm hóa thạch, như lông vũ, được bảo quản trong tro núi lửa. Tác giả chính của nghiên cứu Valentina Rossi, nhà cổ sinh vật học tại University College Cork ở Ireland, cho biết: "Lông hóa thạch thường được bảo quản trong các lớp đá bùn cổ đại nằm dưới hồ hoặc đầm phá. Kền kền hóa thạch được bảo quản trong các trầm tích tro, điều này cực kỳ bất thường".
Bảo quản hiếm có
Hóa thạch này lần đầu tiên được một chủ đất địa phương tìm thấy ở chân núi Tuscolo của Ý vào năm 1889. Các nhà cổ sinh vật học vào thời điểm đó đã ghi nhận sự bảo quản hiếm hoi này. Tuy nhiên, qua nhiều năm, phần lớn hóa thạch đã bị mất, chỉ còn lại lông của một bên cánh và đầu và cổ của loài chim này. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phân tích lại hóa thạch, tiết lộ các chi tiết phức tạp của mí mắt và da của loài kền kền này.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi điện tử và các xét nghiệm hóa học để nghiên cứu lông vũ hóa thạch, cho thấy các hóa thạch được bảo quản ở ba chiều. Điều này rất bất thường đối với lông vũ, thường chỉ để lại dấu vết carbon hóa thạch hai chiều trong đá. Lông vũ ba chiều trước đây chỉ được tìm thấy trong hổ phách.
Các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy chi tiết cấu trúc của lông vũ nhỏ tới một micron (0,001 milimét) và phát hiện ra rằng, hóa thạch lông vũ được làm từ zeolit, một loại khoáng chất thường có trong môi trường núi lửa.
Đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy lông vũ được bảo quản theo cách như vậy và với mức độ chi tiết cao. Ngoài ra, chưa từng phát hiện ra hóa thạch nào khác được bảo quản trong zeolite.
Thực tế là những chiếc lông vũ này được bảo quản trong zeolit cho thấy loài kền kền cổ đại này có thể đã bị chôn vùi trong một đám mây tro núi lửa khổng lồ, mát hơn nhiều so với luồng pyroclastic thiêu đốt Pompeii trong vụ phun trào của núi Vesuvius.
Tro này có thể đã kết tinh thành zeolit sau khi phản ứng với nước trong vài ngày, với những tinh thể khoáng chất nhỏ dần thay thế mọi tế bào và chi tiết trong xác chim. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, khám phá độc đáo này có thể mở đường cho việc tìm kiếm các hóa thạch khác ẩn trong đá núi lửa.