Giải cứu nạn trùng tu, tôn tạo quá đà

Giải cứu nạn trùng tu, tôn tạo quá đà
TP - Các nhà khoa học, chuyên gia lại có dịp tọa đàm về những bất cập trong trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua khiến dư luận bức xúc- như hiện tượng chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế.

> Tín ngưỡng thờ vua Hùng trở thành di sản nhân loại
> Bảo tàng thì tốn, bảo tồn thì chán

Viện Bảo tồn Di tích tổ chức tọa đàm “Hoạt động tôn tạo, xây mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích”, sáng qua 25-1.

GS-KTS Hoàng Đạo Kính nói rất mạnh về vấn nạn trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua: “Cái đáng lo ghê gớm nhất hiện nay là công tác trùng tu khoa học, trùng tu bảo tồn di tích đang trở thành tôn tạo di tích theo cách đại tùy tiện. Cách làm như hiện nay làm biến chất hoàn toàn nội dung khoa học hàn lâm của sự nghiệp bảo tồn di tích. Di sản của chúng ta không to lắm đâu, được UNESCO xếp hạng nhiều lắm đấy, nhưng di sản vẫn rất khiêm tốn, nhỏ nhẹ, mỏng manh, còn sót lại rất ít mà chúng ta đã biến tất cả thành cuộc tôn tạo văng mạng, quá đà”.

KST Lê Thành Vinh, Giám đốc Viện Bảo tồn Di tích nêu: bên cạnh một số dự án được đánh giá cao như khu Thái học ở Văn miếu Quốc Tử Giám, rất nhiều di tích bị sai lệch, thay đổi và mất mát giá trị do xây mới tùy tiện như khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)-công trình duy nhất còn lại của thời Lê Sơ, đình Kim Liên, chùa Trấn Quốc, hay thành nhà Mạc thành lò gạch.

Một nhà khoa học khác lại xót xa về tháp Phú Diên (Huế) - chỉ vì thiếu hiểu biết mà người ta chụp nguyên nhà kính lên tháp, khiến cho tháp đang bị mủn đi, trong khi phần phế tích phụ bên ngoài lại “sống” tốt.

Các nhà khoa học cảnh tỉnh về ba nguy cơ lớn nhất đối với di sản văn hóa: tôn tạo quá đà, xây dựng cơ bản hóa công tác trùng tu, tôn tạo di tích; làm kinh tế bằng di sản hay chính là du lịch hóa di tích.

Cuộc tọa đàm không những có ý nghĩa về mặt khoa học, mà còn thức tỉnh xã hội, thế mà vắng bóng các nhà quản lí văn hóa, di sản. GS Hoàng Đạo Kính gọi các nhà quản lí “họ trở thành những người Mỹ trầm lặng trong lĩnh vực di sản, không thấy họ lên tiếng hay có ý kiến trả lời đúng việc”.

Ông cho rằng, đến lúc phải đặt vấn đề bảo tồn di tích một cách nghiêm túc. Lượng di tích cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt được xếp hạng ngày càng nhiều, “khiến cả nước sôi sục trong cuộc vận động nâng đời di tích và cùng với đó là sự lộn xộn, lạm phát hóa công tác bảo tồn di tích”.

Cho nên, ông Hoàng Đạo Kính đề xuất cần thì lên hạng di tích, còn lại đa số nên xuống hạng thì hơn và quan trọng nhất phải có phân cấp ứng xử với di tích phù hợp với từng loại di tích kiến trúc, mỹ thuật hay khảo cổ.

“Nhằm kiểm soát, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động tôn tạo, phục hồi di tích, chúng ta cần nghiên cứu, thảo luận để có quy định chung về nội dung, hình thức, phạm vi của hoạt động tôn tạo di tích là gì, cái gì được làm, cái gì không được làm, cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích”, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu đề xuất.

Ông cũng nhấn mạnh nhu cầu đào tạo và cấp giấy chứng chỉ hành nghề bảo tồn di tích, tạo dựng đội ngũ bảo tồn chuyên nghiệp. Một ví dụ được các nhà khoa học đưa ra là việc giữ gìn di tích Chùa Dạm.

Đây là phế tích đầy đủ duy nhất còn lại của nền kiến trúc, mỹ thuật phật giáo thời Lý. Nhiều chuyên gia nói, tốt nhất là giữ nguyên vẹn nền phế tích, xây một chùa mới ở gần ngay đó.

Tôn tạo đảm bảo tính liên tục của kiến trúc truyền thống, hay lưu truyền gien văn hóa- Đó là kiến nghị của người làm tôn tạo di tích như Ths. KTS Đoàn Bá Cử (Cty Cổ phần tu bổ di tích Trung ương).

Nhìn lại hiện tượng trùng tu Gác Khánh tại chùa Trăm gian vừa qua, PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, đề xuất tăng cường công tác quản lí nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định về di sản, di tích đặc biệt trong vấn đề bảo tồn, tôn tạo đã được luật hóa.

Thêm vào đó là vai trò của thanh, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng phá hoại di tích xong đâu đấy rồi thanh tra mới biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh.
Nữ Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil: Nợ xấu trên 6.000 tỷ đồng chỉ là một phần nhỏ
TPO - Bà chủ Xuyên Việt Oil thừa nhận những hành vi như cáo trạng truy tố, đồng thời cho biết việc mất cân đối số tiền 6.000 tỷ đồng chỉ là một phần nhỏ; Công ty Xuyên Việt Oil đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực và cả bất động sản từ nguồn hoạt động kinh doanh xăng dầu và vay các ngân hàng nên dẫn tới nợ xấu. 
Những cổ phiếu sáng nhất hôm nay
Những cổ phiếu sáng nhất hôm nay
TPO - Tâm điểm trong phiên sáng nay (20/11) là “sóng” bất động sản. Phiên chiều, VN-Index bật tăng mạnh hơn 10 điểm nhờ lực cầu gia tăng ở nhóm bất động sản và ngân hàng với những cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, BID và VCB.