Giải cứu 23 lao động nhí cực khổ tại xưởng may

Giải cứu 23 lao động nhí cực khổ tại xưởng may
TP - Chiều 29-9, nhóm 23 trẻ em (tuổi từ 12 đến 16, quê Điện Biên) đã được cơ quan chức năng đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM để bay về Hà Nội, sau đó sẽ được gia đình đón về nhà. Các em này vừa được giải thoát từ một xưởng may ở TPHCM, trong điều kiện bị chủ ép làm việc 14 giờ/ngày.

Cai vàng biến trẻ em thành người rừng
> Tổng kiểm tra các bãi vàng Phước Sơn

Trước đó, một nhóm trẻ em khác không chịu nổi cực nhọc đã trốn khỏi một xưởng may ở đường Tây Thạnh (phường Tây Thạnh, Tân Phú, TPHCM), tìm về quê ở xã Mường Trung (Tuần Giáo, Điện Biên). Từ tố giác của các em này, Công an Điện Biên đã báo cáo lên Bộ Công an. Lập tức, Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45B) và Công an TPHCM vào cuộc điều tra.

Đến ngày 20-9, C45B phối hợp Công an phường Tây Thạnh kiểm tra nhà số 169/80/5 Tây Thạnh, do Lê Thế Tuấn (SN 1976) làm chủ. Trong ngôi nhà 3 tầng được thiết kế kín đáo dùng làm xưởng may này, các trinh sát phát hiện 3 em nhỏ đang làm thợ cắt chỉ và thợ may. Tiếp tục kiểm tra nhà số 229/64/41/6 gần đó do Lê Hồng Quang (SN 1981) làm chủ, công an phát hiện thêm 9 trẻ khác đang làm việc tương tự. Các em cho biết được một người phụ nữ đến bản thuyết phục gia đình rồi đưa các em vào TPHCM làm việc.

Người phụ nữ trên được xác định là bà Lê Thị Dục (SN 1943, quê Bắc Ninh, tạm trú tại nhà 229/64/41/6), là mẹ của Quang và Tuấn. Bà Dục khai đã nhiều lần tìm về các bản hẻo lánh ở các xã Mường Mun, Mường Trung (Tuần Giáo, Điện Biên) để tuyển 23 trẻ em đưa vào TPHCM để làm thợ cắt chỉ và thợ may, thời gian làm việc 2 năm, mức lương 500.000 đồng/ em / tháng.

Lạm dụng lao động trẻ em

Lời khai của hai em Q.V.K (SN 1993) và Q.V.T (SN 1992) cho thấy, các em phải làm việc rất cơ cực tại xưởng may. Sáu tháng qua, hằng ngày các em phải thức dậy từ 6 giờ sáng và làm việc liên tục đến 23 giờ đêm, nhưng không được ăn no. Trừ thời gian nghỉ ăn cơm, trung bình mỗi ngày các em phải làm việc 14 tiếng đồng hồ. Thậm chí, nếu lỡ tay làm hỏng hàng, các em còn bị chủ dùng cây thước may đánh... Qua đấu tranh với bà Dục, cơ quan điều tra đã buộc bà này phải giao thêm 10 em đang làm việc tại một địa điểm khác.

Theo CQĐT, với những căn cứ thu thập được, mẹ con bà Dục đã có dấu hiệu lạm dụng lao động trẻ em. C45B đang tiếp tục phối hợp Công an TPHCM và các cơ quan chức năng để xử lý hành vi vi phạm Bộ luật Lao động của mẹ con bà Dục. Hoạt động sản xuất, kinh doanh “chui” của các xưởng may này cũng sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều qua, chứng kiến nhóm trẻ em gầy ốm, ngơ ngác tại khu vực làm thủ tục lên máy bay, nhiều hành khách tốt bụng đã góp tiền hỗ trợ các em về quê.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG