Giải cứu 2 cô gái bị lừa bán sang biên giới

Hai nạn nhân trở về tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Hai nạn nhân trở về tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
TP - Hai cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc được giải cứu và trở về với gia đình sau quãng thời gian tủi nhục ngay trước Tết Kỷ Hợi.

Chiều 25/1/2019, ở sát ranh giới đường bộ hai nước Việt- Trung, Nguyễn Hoàng A (SN 1996, trú tại thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) và Huỳnh Hồng N (SN 1997, trú tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) được các chiến sỹ trẻ Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc, Lạng Sơn) hỗ trợ trở về Việt Nam sau thời gian bị các đối tượng xấu lừa bán ép gả làm vợ một gia đình nông dân cách biên giới Việt Nam gần 4.000 km.

Vào khoảng cuối tháng 10/2018, thông qua mạng xã hội facebook, Nguyễn Hoang A (Lạng Sơn) quen một đối tượng tự xưng là Hào (SN 1992, người Tuyên Quang). Sau nhiều lần trò chuyện, Hào nói có người chị gái ở Trung Quốc đang tuyển người làm việc nhàn hạ nhưng mức lương cao, hàng chục triệu/tháng. Thấy vậy, A đồng ý đi cùng đối tượng này đến khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất cảnh sang Trung Quốc. Trong thời gian 2 tháng A bị bán tới 3 gia đình ở ba nơi khác nhau.

“Đến tháng 12/2018, bọn buôn người tiếp tục đưa tôi đến làng XiaoMa, thị trấn Cao Trang thuộc thành phố Xing Tai, tỉnh Hà Bắc cách biên giới Việt Nam hơn 4.000km để gả bán cho một lão nông với giá hơn 6 vạn Nhân dân tệ. Tại đây, tôi gặp cô Huỳnh Hồng N. Cô này bị ép làm vợ cho một người em ruột chồng tôi”.

Cũng giống như A, cuối tháng 11/2018, N quen một người đàn ông tên là Giang (không rõ địa chỉ), sau đó được người này rủ đi Trung Quốc chặt mía thuê với mức lương 50 triệu đồng/tháng. Tin người, N không đắn đo rời nhà, bắt xe ra Bắc và xuất cảnh trái phép qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi sang bên kia biên giới, lập tức N bị một số “đầu gấu” người địa phương áp giải đến thành phố Xing Tai, tỉnh Hà Bắc, bị ép bán làm vợ một người đàn ông không quen biết.
Theo lời kể của hai nạn nhân, khi biết hoàn cảnh của nhau, hai cô nung nấu bỏ trốn. Lần bỏ trốn đầu tiên do không biết tiếng Trung Quốc lại chưa thông thuộc đường đi, lối lại nên hai người bị người nhà chồng bắt lại được. Lần trốn thứ hai cũng không thoát được.

Sau hai lần bỏ trốn không thành hai cô quyết định tuyệt thực. Khi thấy hai người có dấu hiệu kiệt sức, các ông chồng cho A điện thoại liên lạc với gia đình ở Lạng Sơn bằng mạng zalo với điều kiện chuộc người là 3 vạn Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc, tương đương 102 triệu VNĐ).

Trung tá Bùi Xuân Tài, Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của gia đình Nguyễn Hoàng A, ngày 10/12/2018 lãnh đạo đơn vị đã họp bàn và có văn bản gửi Chi đội Quản lý Biên phòng Sùng Tả (thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc), đề nghị phía bạn xác minh, giải cứu nạn nhân.

Ngày 24/1/2019, Biên phòng Hữu Nghị nhận được thư phúc đáp của phía bạn, qua đó đã giải cứu được 2 nạn nhân ở cùng một gia đình và hai bên thống nhất việc trao trả nạn nhân diễn ra vào chiều 25/1 tại km số 0, cửa khẩu Hữu Nghị.

Theo số liệu thống kê của Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và giải cứu được 17 vụ, 18 trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc. Bắt thành công 3 vụ, 3 đối tượng mua bán người qua địa bàn.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.