Giải bài toán cơ chế, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng, để dự án đường sắt tốc độ cao thành công, ngay từ bây giờ, phải sớm có các cơ chế, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp (DN) tham gia. Thậm chí, cần có ban chỉ đạo cấp quốc gia để thúc đẩy tiến độ dự án.

Một cựu lãnh đạo Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng, đại dự án đường sắt tốc độ cao đang tạo cơ hội lớn chưa từng thấy cho các DN ngành chế tạo, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, tham gia và trưởng thành. Theo vị này, ngành cơ khí Việt Nam đã tham gia thực hiện nhiều công trình, dự án rất lớn và đã có kinh nghiệm cũng như sản phẩm chất lượng, đủ tự tin để xuất khẩu cũng như cạnh tranh ở những lĩnh vực mới như đường sắt tốc độ cao.

Về tổng thể, ngành cơ khí đang đối mặt nhiều khó khăn và để DN phát triển, tham gia các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần ưu tiên tạo nguồn vốn vay dài hạn, lãi suất ổn định theo đặc thù sản xuất cho DN ngành cơ khí. Cùng với đó, cần hành lang pháp lý đủ mạnh để DN trong nước tham gia như ban hành quy định thầu sao cho góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước, tạo thị trường cho DN cơ khí trong nước phát triển.

Vị cựu lãnh đạo Lilama cũng cho rằng, Việt Nam ngay lúc này cần phải có các bước đi thúc đẩy cho nhóm DN vừa và nhỏ, DN công nghiệp hỗ trợ như cách Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản đã làm để phát triển ngành cơ khí của họ. “Muốn thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí để tham gia dự án đường sắt tốc độ cao, phải có một hệ thống luật pháp, cơ chế cho DN vừa và nhỏ phát triển. Ở các nước, khi muốn thúc đẩy nhóm doanh nghiệp này, người ta dành diện tích đất rộng, thậm chí miễn phí dịch vụ sử dụng đất thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước”, vị này nói.

Dẫn việc cơ chế, chính sách đang áp dụng cho DN công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ở Malaysia, Singapore, đại diện Lilama cho rằng, Việt Nam muốn phát triển DN hỗ trợ các ngành đòi hỏi công nghệ cao như đường sắt tốc độ cao, trước tiên phải có các DN lớn. Đặc biệt, phải sửa bài toán DN dàn hàng ngang phát triển như hiện nay. Cùng đó, các cơ chế hỗ trợ chỉ nên tập trung trọng điểm, như xây dựng, giao thông, cơ khí, chế tạo…, mỗi lĩnh vực chỉ chọn một hoặc hai DN, không chọn nhiều. Chỉ chọn những DN có hạ tầng tốt, bề dày truyền thống để trở thành những DN đầu đàn. Khi đó, đầu tàu này sẽ kéo một loạt DN hỗ trợ đi theo. Một điểm quan trọng nữa là cần phải hình thành một ban chỉ đạo nhà nước bao gồm ít nhất một phó thủ tướng thay mặt Chính phủ chỉ đạo, bên dưới là thứ trưởng một số bộ. Hằng tháng, trưởng ban sẽ họp chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đây là mô hình đã được áp dụng ở các dự án lớn như Thủy điện Sơn La, Lai Châu… giúp công trình về đích trước tiến độ.

Tận dụng cơ hội để vươn lên

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch HANSIBA, cho rằng, đại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hứa hẹn mang lại tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có các DN thuộc HANSIBA.

Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng mức đầu tư 67,34 tỷ USD sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD. Trong đó, sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD). Cộng đồng DN Việt Nam, trong đó có các DN công nghiệp hỗ trợ rất hy vọng được tham gia dự án này với tinh thần “huy động cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của nhân dân và DN tham gia triển khai thực hiện dự án”.

Giải bài toán cơ chế, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Ảnh: Nguyễn Bằng.

“Hiệp hội chúng tôi cùng các DN đề xuất Chính phủ, bộ, ngành sau khi thành lập Tổ công tác của dự án sẽ có những chương trình làm việc trực tiếp với các hiệp hội nắm bắt về năng lực sản xuất, cung ứng thiết bị, sản phẩm có thể đáp ứng, hợp tác với các đơn vị tổng thầu dự án trong nước và quốc tế được tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao

Bắc - Nam trước thời điểm khởi công năm 2027. Từ đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, nguồn vốn, công nghệ để đặt hàng và xây dựng bộ tiêu chí để DN trong nước có thể tham gia đầu tư, cung ứng sản phẩm cụ thể”, ông Vân nói.

Ông Vân cho rằng, các DN cũng cần bám sát, nắm bắt kịp thời thông tin liên quan dự án, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh hợp tác với đối tác quốc tế đến từ những quốc gia phát triển, đã đầu tư khai thác đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Theo ông Vân, thời gian qua, các thành viên HANSIBA cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay và tàu cao tốc ở ngay trong các dự án hạ tầng như Khu công nghiệp HANSIP tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Vì thế, dự án không chỉ tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt; tạo đột phá cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tự động hóa, thép, vật liệu, linh phụ kiện… Dự án không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan. Trong đó, ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bê tông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm…

“Đã có kinh nghiệm, sẵn sàng tham gia”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Văn Hồng Tuân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4, cho biết, ngay khi có chủ trương về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Cienco4 đã quyết tâm phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để trong 2 năm tới có thể tham gia dự án. “Cũng giống như các DN khác, Cienco4 tập trung chuẩn bị nguồn lực về con người (kỹ sư, đội ngũ công nhân), thiết bị và các điều kiện khác. Cienco4 tự tin với năng lực, kinh nghiệm từng tham gia dự án metro Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM), Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) và nhiều dự án giao thông lớn nên có thể tham gia hầu hết các hạng mục đường sắt tốc độ cao. Đây là dự án rất lớn, cần có nhà thầu, tư vấn, nhà cung cấp thiết bị có năng lực thực sự. Cienco4 có đủ tự tin để tham gia và mong muốn tham gia hầu hết các hạng mục từ phần hạ tầng xây dựng đến thiết bị”, ông Tuân nói. Cienco 4 đã có sẵn hệ thống quản lý, cả nghìn kỹ sư, công nhân. Một số lượng nhân lực nhất định đang được Tập đoàn tiếp tục gửi đi đào tạo. Cienco4 còn có một số đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết.

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG