Giấc mơ Mỹ - Bài 2: Hôn nhân hợp đồng

Hàng ngày có rất đông người đến làm hồ sơ, vào phỏng vấn ở Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM
Hàng ngày có rất đông người đến làm hồ sơ, vào phỏng vấn ở Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM
TP - Giấc mơ đổi đời ở xứ sở cờ hoa thu hút không ít gia đình Việt, nhiều người sẵn sàng bỏ cả hàng chục ngàn USD để mong nhập quốc tịch ở một quốc gia xa xôi cách nửa vòng trái đất như Mỹ. Đằng sau những bản hợp đồng hôn nhân không tình yêu trong ngọt bùi xen lẫn không ít đắng cay.

Hôn nhân tiền tỷ

Với nhiều người Việt, giấc mơ được làm công dân ở xứ sở cờ hoa luôn ám ảnh. Ngày trước, cách nhiều người chọn con đường qua Mỹ là đi du lịch rồi tìm cách trốn ở lại. Nhưng nay, điều này hoàn toàn không dễ dàng, bởi để được cấp visa đến Mỹ là cực kỳ khó khăn. Khi cấp visa du lịch, người xin visa phải chứng minh được cho nhân viên lãnh sự là mình chắc chắn sẽ trở lại Việt Nam.

Những năm gần đây, làn sóng lấy chồng ngoại quốc lan truyền từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh những cặp đôi đến với nhau trở thành vợ chồng thật sự thì cũng có không ít trường hợp làm hôn nhân giả để mang “người tình” sang đất nước mình đang định cư để lấy tiền công. Dù thật hay giả, thì tất cả họ đều đi theo một con đường duy nhất để xuất ngoại, lấy người nước ngoài dù chỉ là hình thức rồi nhập tịch theo diện di cư hợp pháp.

Những năm trước, các cô gái ở các vùng quê ở các tỉnh lưu vực đồng bằng sông Cửu Long có ngoại hình dễ nhìn được các chàng trai Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… dạm hỏi rồi đưa về nước sinh sống, và gia đình nhà gái được nhận một khoản thù lao từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Ngược lại, các cô gái ở các thành thị như TPHCM, Bình Dương… kinh tế khá giả, nhiều gia đình phải tốn hàng chục ngàn USD để con họ được ra nước ngoài định cư nhằm lấy thẻ xanh hay nhập được quốc tịch Mỹ.

Về nước thăm người thân sau hơn 6 năm định cư ở bang California, chị Hiền (26 tuổi, quê TPHCM) kể, năm 2009, nghe bạn bè định cư ở Mỹ kể lại về sự giàu có, cuộc sống sung túc… của xứ cờ hoa, nên chị bàn bạc với gia đình vay mượn tiền để tìm hướng xuất ngoại. Theo lời bên môi giới, chị Hiền mất phí 25.000 USD để tiến hành “hợp đồng” hôn thú 5 năm với người “chồng” Việt kiều Mỹ. Thêm vào đó là số tiền, chị Hiền phải chi phí cho tổ chức cưới, và các phụ phí khác gần 15.000 USD.

Để giúp giấc mơ Mỹ của chị Hiền thành hiện thực, người “chồng” còn khẳng định sau khi “vợ” đặt chân lên xứ cờ hoa, anh ta sẽ đứng tên mở một tiệm nail (làm móng) để “vợ” dễ bề sinh sống. Sau khi hết hạn hợp đồng, chị Hiền làm đơn ly hôn theo pháp luật. Giống như chị Hiền, với mong muốn con gái định cư ở nước ngoài, cuối năm 2015, gia đình ông Thơm (huyện Phù Cát, Bình Định) liên hệ với một đường dây chuyên môi giới kết hôn giả sang Mỹ. Qua đường dây này, ông Thơm nhận được chàng rể hờ tên Dũng, cũng là Việt kiều quê đất võ. Theo thỏa thuận, Hà (22 tuổi, con gái ông Thơm) sẽ kết hôn với Dũng, tất cả chi phí gia đình ông Thơm phải chi trả là 50.000 USD.

Giấc mơ Mỹ - Bài 2: Hôn nhân hợp đồng ảnh 1

Đằng sau những bản hợp đồng hôn nhân không tình yêu có cả đắng cay lẫn ngọt bùi

Éo le hơn hai là trường hợp trên, My (19 tuổi, ngụ Bình Dương) là sinh viên năm hai của một trường đại học trên địa bàn TPHCM. Ở giảng đường, My phải lòng một giảng viên mới ra trường về công tác ở trường mà My theo học. Cả hai chính thức yêu nhau được hơn 6 tháng thì My nhận được tin từ gia đình bắt buộc phải xuất ngoại qua Mỹ theo diện du học. Mặc dù cố gắng giải thích với người yêu chờ đợi mình, nhưng anh giảng viên quyết tâm chia tay vì cho rằng My “tham phú phụ bần” mà bỏ rơi mình. Rồi My rời bỏ mối tình thời sinh viên để ra đi theo sắp đặt của gia đình. Do thủ tục đi du học không trót lọt, My kết hôn theo dạng hợp đồng với một chàng trai gốc Mỹ sống tại bang California với số tiền phải bỏ ra gần 40.000 USD.

Đắng cay ngọt bùi

Mặc dù bỏ ra tiền tỷ cho việc xuất ngoại nhưng không phải ai cũng được mãn nguyện giấc mơ đổi đời. Một số nước châu Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… thì việc nhập quốc tịch bằng hôn nhân hết sức đơn giản. Tuy nhiên, ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Canada, Úc… nhiều cặp đôi đến Đại sứ quán nước bạn chỉ cần trong lý lịch hồ sơ mắc một lỗi nhỏ là chắc chắn bị trả về, cả hai sẽ bị liệt vào danh sách đen…

Với hy vọng về một tương lai tươi sáng, cuối 2012 chị Hòa (25 tuổi, ngụ Gia Lai) cùng gia đình vay mượn hàng chục ngàn USD làm “hợp đồng hôn nhân” sang Mỹ và tổ chức lễ cưới rất hoành tráng tại một nhà hàng lớn ở quận 3, TPHCM. Hơn 3 năm ở xứ người, công việc không ổn định, trình độ ngoại ngữ chỉ ở mức bập bẹ, vì khu vực chị ở phần lớn là người Việt nên mọi giao tiếp hầu hết bằng tiếng mẹ đẻ. “Cuộc sống thực tại như vậy thì việc đón chồng con sang đoàn tụ có lẽ quá xa vời. Đến tiền về Việt Nam đợt này khoảng 2.000 USD mà cũng phải chạy vạy khắp nơi”, chị Hòa tâm sự.

Cùng cảnh ngộ chị Hòa, từ ngày con gái đi xa, gia đình bà Thi như có thêm gánh nặng mỗi khi đứa con gái ở phương xa gọi về. Những tưởng sau khi qua Mỹ, con gái sẽ gửi Mỹ kim về cho ông trả nợ, thời gian không xa sẽ đón hai vợ chồng qua dưỡng già. Nhưng mỗi lần kết nối máy liên lạc là ông nghe My kể về cuộc sống khổ cực, làm thuê làm mướn quần quật cả ngày khiến ông bà không cầm được nước mắt. “Mình nghĩ con cái đi Mỹ sẽ sướng nên mới vay mượn để lo cho con. Nó bảo bên ấy bản thân làm không đủ trang trải thì lấy đâu ra tỷ đồng để gửi về trả nợ”, bà Thi chia sẻ.

Giấc mơ Mỹ - Bài 2: Hôn nhân hợp đồng ảnh 2

Nhiều cô gái vẫn ôm mộng đổi đời từ những bản hợp đồng hôn nhân.

Tuy nhiên, “mười hai bến nước” cũng có một số cô gái thuận buồm xuôi gió. Đơn cử như trường hơp chị Trần (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) mồ côi cha mẹ, học hết bậc trung học cơ sở chị bỏ quê vào TPHCM kiếm sống, qua đó, chị quen chàng trai đồng hương. Tuy nhiên, khi cả hai tính đến chuyện xây dựng gia đình thì gia đình người yêu không chấp nhận. Trần hụt hẫng, muốn đi thật xa để quên nỗi buồn.

Cơ duyên như sắp đặt, Trần gặp được người đàn ông tên Ken quốc tịch Mỹ. Ken biết nói tiếng Việt, nhưng không rành. Lúc đầu do bất đồng ngôn ngữ nên giao tiếp khó khăn, nhưng nhờ giúp đỡ của Ken, Trần cũng vượt qua. Rồi một ngày, Trần nhận được lời đề nghị từ Ken sang Mỹ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, muốn  định cư ở đó, không có cách nào khác ngoài việc kết hôn giả. Mặc dù không thể hình dung cuộc sống ở nơi xứ người thế nào, nhưng Trần vẫn “nhắm mắt đưa chân”.

Không giống như những cặp đôi khác, họ đến với nhau từ giả thành thật và trở thành cặp vợ chồng hạnh phúc. Do bắt nhịp nhanh, Trần thạo ngoại ngữ rồi được chồng giới thiệu vào làm trong một xưởng sản xuất bánh mì. Hơn 2 năm chung sống, Trần vui vẻ với mái ấm của hai dòng máu Việt - Mỹ. Hai năm một lần, cả hai đều cố gắng trở về quê để thăm người thân.

_____________________

(Còn nữa)

3 năm sau ngày chị Nguyễn Thị Tú, 31 tuổi ở đường Kinh Dương Vương, quận 6, TPHCM “chồng” 40.000 USD để làm hôn nhân giả với một Việt kiều Mỹ, đến nay chị vẫn ở lại Việt Nam. “Anh ấy nói lấy tiền để làm thủ tục rồi sẽ về làm cưới giả và đưa em đi, nhưng 3 năm nay không thấy anh đâu, liên lạc nhiều lần cũng không được”- chị Tú nói như mếu. Để có số tiền 40.000 USD, chị Tú nhờ bố mẹ cầm giấy tờ nhà với hy vọng qua Mỹ được sẽ đổi đời và sớm trả lại khoản nợ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.