Hôm qua (28/12), thị trường vàng đã có những biến động chưa từng có. Nếu như vào buổi sáng, giá vàng SJC vẫn cán mốc 80 triệu đồng/lượng, thì từ 11h đến 15h, giá đã lao dốc nhanh chóng về mốc 71,5-75,5 đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đến cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC lại tăng trở lại, khi niêm yết giá mua bán ở mức 74,5-77,52 triệu đồng/lượng.
Giá vàng biến động mạnh trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra những chỉ đạo để ổn định thị trường kim loại quý.
Giá vàng vẫn đang biến động thất thường (Ảnh: Nguyễn Huế) |
Cung - cầu được thỏa mãn, giá vàng mới xuống được
Chia sẻ với PV. VietNamNet, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá: Thủ tướng chỉ đạo rất đúng thời điểm khi thị trường vàng đang “dầu sôi, lửa bỏng”.
Vị chuyên gia cho rằng, thị trường vàng trong nước đã ngay lập tức phản ứng tích cực với chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng cũng chỉ có tính nhất thời.
“Thủ tướng chỉ đạo NHNN phải có biện pháp, nhưng hiện NHNN chưa đưa ra biện pháp cụ thể nên mới chỉ đánh vào vấn đề tâm lý. Tâm lý của các nhà đầu tư thấy an tâm khi Thủ tướng chỉ đạo NHNN; họ cảm thấy bớt nôn nóng mua vàng, thị trường vàng bớt sôi động.
Nhưng nếu không có biện pháp tích cực cụ thể, thị trường sẽ trở lại sự sôi động như trước đây. Chỉ đạo sẽ khó có tác động lâu dài nếu không đi kèm hành động”, ông Hiếu nói.
Cũng đánh giá công điện của Thủ tướng rất kịp thời để chấn chỉnh giá vàng trong nước, nhất là giá vàng SJC, chia sẻ với VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kỳ vọng, khi có chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN cùng các bộ ngành sẽ có phương án để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới.
“Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, giá vàng lập tức giảm xuống. Nhưng chúng ta cần chờ xem trong tháng 1/2024 tới đây, NHNN sẽ có biện pháp cụ thể thế nào, nếu chưa có biện pháp cụ thể hữu hiệu ngay, thì giá vàng có khả năng tăng trở lại.
Khi có biện pháp cụ thể, chẳng hạn cho nhập vàng nguyên liệu số lượng bao nhiêu... thì lúc đó mới biết được giá vàng đi xuống bao nhiêu. Còn nếu cần 10 phần nhưng chỉ cung ứng được 1-2 phần thì giá sẽ không xuống được nhiều. Khi cung - cầu được thỏa mãn, giá vàng mới xuống được đầu 6 (tức khoảng trên 60 triệu/lượng-PV). Từ nay đến lúc NHNN đưa ra giải pháp cụ thể, giá vàng sẽ vẫn “lình xình”, ông Khánh đánh giá.
Giải pháp ổn định thị trường vàng
Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, về dài hạn, NHNN đang tổng kết lại Nghị định 24 và sẽ có sửa đổi cách quản lý vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Song, ông Khánh cho rằng, giải pháp đơn giản nhất là giải quyết cân bằng vấn đề cung - cầu cho thị trường; khi đó thị trường ắt sẽ bình ổn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cũng khẳng định "cần bỏ độc quyền vàng". Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể quản lý vàng thông qua các công ty được phép xuất nhập khẩu, hoặc có thể quản lý qua với tư cách là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng.
"Bởi, Ngân hàng Nhà nước có thể mua vàng dự trữ và bán vàng dự trữ nhằm cân bằng thị trường, ổn định giá", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Để ổn định thị trường vàng lúc này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp đầu tiên NHNN nên cho phép các nhà kinh doanh vàng có uy tín, năng lực tài chính cùng nhập khẩu vàng để cung cấp nguồn vàng nhằm đáp ứng nhu cầu.
“Nếu cung - cầu ổn định, giá vàng sẽ ổn định trở lại và không có chuyện giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 15-20 triệu đồng/lượng như hiện nay”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng nhắc lại quan điểm là NHNN nên rút lại thương hiệu vàng quốc gia với vàng SJC, để các thương hiệu khác có thể cạnh tranh một cách lành mạnh trên thị trường vàng.
“NHNN hãy thành lập một sàn giao dịch vàng như sàn giao dịch chứng khoán; các doanh nghiệp phải được cho phép tham gia thị trường vàng, tạo ra một thị trường thông suốt, minh bạch.
Khi nhìn giá trên sàn giao dịch, người dân sẽ biết được giá chính thức là bao nhiêu. Còn hiện chúng ta có nhiều giá, mỗi công ty vàng, nhãn hiệu vàng lại có giá riêng, biến động khôn lường nên khó khăn cho vấn đề theo dõi và không có sự thống nhất. Việc lập sàn giao dịch vàng sẽ ổn định được thị trường vàng”, ông Hiếu góp ý.
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, cần phải cải thiện kinh tế vĩ mô. Khi các thị trường chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu hoạt động một cách điều hòa; tiền gửi ngân hàng trở lại mức hấp dẫn thì người dân sẽ không đổ xô vào vàng.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.