Giá USD sẽ hạ

Giá USD sẽ hạ
TP - Ngày thứ 12 của điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ vẫn âm ỉ sóng ngầm. Đâu là bản chất của cơn sốt và phải làm gì để cắt cơn?

> Bán ngoại tệ can thiệp thị trường
> Cắt cơn cho… ngoại tệ

Tiền Phong trao đổi nhanh với TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Giá đô la trong và ngoài ngân hàng đang tăng vùn vụt sau thời gian dài ổn định. Theo ông bản chất của đợt sốt ngoại tệ trong khoảng hơn một tuần nay là gì, vì sao vậy?

Trước hết cần nhìn nhận, tỷ giá được điều chỉnh là điều đã từng được tính toán và thông báo từ đầu năm, mức điều chỉnh lại chỉ 1% bằng một nửa dư địa (2%), trong khi cầu ngoại tệ từ phía nhập khẩu sản xuất không có gì đột biến. Cầu hiện lớn nhưng là do tâm lý, các ngân hàng đang dư nguồn, họ có xu hướng mua và tích trữ ngoại tệ. Cơn sốt và khan ngoại tệ một tuần nay chính là tâm lý găm giữ của cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng sự kỳ vọng những “kích thích” khan hàng sẽ khiến thị trường tiếp tục sốt cao.

Cầu lớn do tâm lý và xu hướng mua tích trữ. Ảnh: kH
Cầu lớn do tâm lý và xu hướng mua tích trữ. Ảnh: KH.

Nhưng không thể phủ nhận cầu ngoại tệ đang tăng mạnh trong khi cả ngân hàng và doanh nghiệp đều than thiếu nguồn cung. Tại sao Ngân hàng Nhà nước không bơm ngoại tệ tăng cung chẳng hạn?

 “Sự im lặng của Ngân hàng Nhà nước thị trường bên ngoài có thể không hiểu, nhưng giới ngân hàng đặc biệt một số ông chủ rất biết. Những ngày qua chúng tôi theo rất sát từng bước chân của các tổ chức, ngân hàng thương mại rồi cả giới đầu cơ. Ngân hàng cứ nói thiếu ngoại tệ nhưng theo dõi trên tài khoản hệ thống, thực sự NHNN không thấy điều này”.  

Một đại diện NHNN

Tôi được biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay là phải đảm bảo nguồn ngoại tệ và sẽ can thiệp vào thị trường sớm nhất ngay khi thấy cần thiết. Cũng còn một điều này theo nguồn tin tôi được biết, tỷ giá từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ không tăng.

Lý do mấy ngày hôm nay sở giao dịch NHNN bán giá trần không phải là có tin hiệu gì về sẽ tăng tỷ giá, mà vì cũng như vàng, NHNN là người mua bán cuối cùng, nên giá quyết định trên cơ sở cung cầu, NHNN không thể bán thấp vì không thể bao cấp cho bất cứ tổ chức nào, nhất là khi tâm lý “găm” giữ tạo ra sự khan hiếm giả. Nhưng về nguồn cung, NHNN cũng đã khẳng định đang dư thừa, sẽ đáp ứng đầy đủ và chắc chắn giá đô la sẽ hạ.

Xuất hiện một hiện tượng bất thường tưởng đã “dập tắt” hơn 1 năm nay đó là hai tỷ giá - tức doanh nghiệp mua phải cộng thêm phí so với giá niêm yết? Theo ông phải xử lý thế nào và thời điểm này, nếu có tiền nên đầu tư gì?

Vụ hai tỷ giá, theo quy định là nghiêm cấm. NHNN cũng ra thông điệp sẽ xử lý nghiêm , thậm chí có thể giờ này họ đã tiến hành thanh kiểm tra nếu bắt quả tang là xử liền.

Về tâm lý đã thấy có những nhà đầu cơ đồn thổi về khả năng đô la tăng giá trong khi thực tế hai ngày nay đã dịu nhiều. Thứ nữa, giá vàng thế giới có xu hướng hạ (vì kinh tế thế giới đang hồi phục, những nhà đầu tư những quỹ dự trữ vàng lớn họ sẽ bán ra để lấy tiền để đầu tư, gói QE của Mỹ sẽ được cắt giảm, không có hiện tượng cục bộ chiến tranh trên thế giới), nên giá vàng thế giới sẽ giảm, do vậy không nên đầu tư vào vàng lúc này. Với sự nóng lạnh bất thường của vàng, ngoại tệ kể trên, hiện gửi tiết kiệm VNĐ vẫn được xem là kênh an toàn, hiệu quả

Cảm ơn ông!

Ngày 10/7, giá USD tự do tại Hà Nội đã đồng loạt giảm dưới 21.700 đồng. Một số điểm giao dịch báo giá USD ở mức 21.630-21.640 đồng (mua vào) và 21.670-21.680 đồng (bán ra). Tuy nhiên, các NHTM vẫn duy trì giá USD bán ra trên bảng niêm yết ở mức kịch trần biên độ. Vietcombank hiện báo giá USD ở mức 21.230 đồng (mua vào) và 21.246 đồng (bán ra). Eximbank niêm yết giá USD ở các mức tương ứng lần lượt là 21.220 đồng và 21.246 đồng.

 

Khánh Huyền
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG