Giá USD giảm mạnh
> Giá vàng, tỷ giá USD giảm nhẹ
Nguồn cung USD tăng cao trong khi lực cầu giảm khiến giá USD trong và ngoài hệ thống ngân hàng (NH) giảm mạnh mấy ngày gần đây.
Lượng USD bán cho NH tăng lên. Ảnh minh họa. |
Lần đầu tiên trong mấy năm trở lại đây, giá mua - bán USD trong NH có sự chênh lệch lớn và giá bán thấp hơn giá trần. Ngày 22-4, giá mua - bán USD của một số NH như Xuất nhập khẩu, Ngoại thương… giảm nhanh 110 - 140 đồng/USD so với ngày 21-4. Giá mua USD còn 20.720 đồng/USD (giảm 140 đồng/USD), giá bán 20.800 đồng/USD (giảm 110 đồng/USD). Tỷ giá bình quân liên NH giảm 10 đồng/USD, xuống 20.708 đồng/USD, do đó giá bán USD công bố của các NH cách mức giá trần 115 đồng/USD.
Giá USD tự do giảm khá mạnh, giá mua - bán ở mức 20.770 - 20.790 đồng/USD. Sau nhiều năm, giá bán USD tự do đã thấp hơn giá bán USD trong NH.
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho biết những ngày gần đây các doanh nghiệp có xu hướng bán USD cho NH nhiều hơn, tạo điều kiện cho giá USD giảm. Có 2 yếu tố khiến các doanh nghiệp quyết định bán USD, đó là lãi suất tiền đồng ở mức cao và tỷ giá USD đã được điều chỉnh tăng lên 9,3% hồi đầu năm nên kỳ vọng chỉnh giá USD trong thời gian tới không còn. Chính vì vậy, NH đã đáp ứng được nguồn ngoại tệ của các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.
Theo ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB), trong 2 - 3 ngày trở lại đây, NH đã mua được nguồn ngoại tệ từ các khách hàng cá nhân. Đặc biệt, khách hàng gửi tiết kiệm đến hạn đã bán lại USD cho NH. Chính vì nguồn cung USD tăng đã khiến giá USD giảm nhanh.
Kiến nghị giảm lãi suất huy động USD NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có kiến nghị giảm lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của các tổ chức từ 1%/năm xuống 0%/năm nhằm tăng nguồn cung USD và tăng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống. |
Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng ngoại tệ của NH mua được từ các đại lý thu đổi ngoại tệ và của cá nhân bán cho các NH nhiều hơn trước đây, có tuần doanh số mua USD của các NH tăng lên 50%. Việc lãi suất huy động USD giảm xuống 1%/năm đối với doanh nghiệp và 3%/năm đối với cá nhân đã làm tăng nguồn cung USD cho hệ thống NH.
Qua số liệu khảo sát nhanh một số NH lớn như Sacombank, Eximbank, VCB HCM, ACB…, nguồn vốn huy động tiết kiệm USD giảm nhẹ do người dân rút tiết kiệm ngoại tệ bán cho NH và chuyển sang gửi tiền đồng. Số lượng ngoại tệ NH bán cho cá nhân trong một tuần tăng lên khoảng 200% so với trước, bán cho doanh nghiệp tăng lên 45%. Theo dự báo của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng ngoại tệ NH mua và bán trong thời gian tới sẽ tăng lên do chênh lệch tỷ giá trong và ngoài NH giảm mạnh.
Tín hiệu tích cực
Trước đây, doanh nghiệp mua USD để thanh toán hàng hóa dịch vụ ra nước ngoài tại NH với giá cao hơn giá niêm yết và không phải lúc nào NH cũng có nguồn USD bán cho doanh nghiệp. Thế nhưng hiện nay đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “trả giá” khi mua USD tại NH. Một chuyên viên ngoại hối một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết đã có doanh nghiệp yêu cầu mua USD với giá thấp hơn 20 đồng/USD so với giá mà NH niêm yết.
Cung tăng, cầu giảm nên NH chấp nhận bán với giá thấp hơn. Chính vì vậy mà giá USD trong NH giảm nhanh. Vị này cũ̃ng cho hay trước đây, NH mua được USD là có lời nhưng với tình hình hiện nay thì chưa chắc vì giá USD giảm khá nhanh, ôm USD vào chưa kịp bán ra đã lỗ.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận xét giá USD giảm mạnh là tín hiệu tích cực sau khi các quy định, biện pháp ổn định thị trường USD được triển khai. Tuy nhiên, mừng một nhưng lo cũng nhiều.
Các quy định hiện nay đã giải tỏa được tâm lý găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân nhưng yếu tố gốc của vấn đề vẫn là nội tại của nền kinh tế. Lượng cung hiện nay nhiều hơn cầu dẫn đến giá USD giảm nhưng khi tình hình đảo chiều cung ít hơn cầu thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Tình hình nhập siêu hiện vẫn còn cao.
Để thị trường USD ổn định, ông Lê Thẩm Dương cho rằng cần kiên quyết triệt tiêu tâm lý găm giữ USD, đồng thời bằng mọi giá phải giảm lạm phát như cắt giảm quyết liệt hơn nữa chính sách đầu tư, chi tiêu ngân sách, hạn chế nhập khẩu qua chính sách thuế và những hàng rào kỹ thuật khác…
Theo Thanh Xuân
Thanh Niên