Chia sẻ với Tiền Phong, linh mục Francis Phạm Đức Huy cho biết, hôn nhân và gia đình là thể chế cổ xưa của loài người. Hôn nhân được đề cập từ trang đầu và hình ảnh hôn nhân lại được Kinh Thánh nhắc đến trang cuối. Điều đó cho thấy, hôn nhân không chỉ là định chế thuần tuý của con người, mà còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên con người có nam có nữ.
Theo linh mục Francis, hôn nhân Công giáo phải xuất phát từ tình yêu. Người Công giáo rất coi trọng tình yêu, nhất là tình yêu vợ chồng. Vì lẽ đó, đôi nam nữ trước khi đến trình diện với linh mục phải qua quá trình tìm hiểu và yêu thương nhau. Theo đó, cả hai đều tự nguyện yêu thương nhau mà không bị ràng buộc hay thúc ép từ bất cứ người thứ ba nào khác. Khi xác định đời sống hôn nhân, hai người mới quyết định lấy nhau, đến trình diện với linh mục nơi hai người sinh sống.
Chú rể, cô dâu thực hiện các nghi thức |
Tiếp đó là quá trình học giáo lý. Giáo lý hôn nhân là hành trang mà Giáo hội chuẩn bị cho đôi bạn bước vào đời sống gia đình với kiến thức nhất định về đạo cũng như đời sống xã hội, linh mục Francis nói.
Được biết, kết thúc quá trình học giáo lý hôn nhân, nếu hai bên quyết định kết hôn sẽ trình linh mục biết. Linh mục sẽ thực hiện việc rao hôn phối và rao trong 3 Chúa nhật ở giáo xứ ở các bên. Việc rao hôn phối tại giáo xứ để cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện và xem xét có gì ngăn trở thì giải quyết trước hoặc trình báo với linh mục, đồng thời cũng để ấn định lễ cưới. Tiếp đó là cử hành thánh lễ bí tích hôn phối. Đây là ngày trọng đại, linh thiêng nhất của đôi uyên ương, khi đã hoàn thành khóa học giáo lý hôn nhân, hai người quyết định kết hôn với nhau.
Thánh lễ cử hành bằng các nghi thức phụng vụ đặc biệt, các bài đọc dành riêng. Nghi thức hôn phối được bắt đầu sau bài Phúc âm và bài giảng, gồm ba phần: Phần một, thẩm vấn đôi tân hôn. Theo đó, chủ tế lần lượt hỏi cô dâu và chú rể về sự tự do, về việc yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời và về việc đón nhận con cái.
Giáo lý hôn nhân là hành trang mà Giáo hội chuẩn bị cho đôi bạn bước vào đời sống gia đình với kiến thức nhất định về đạo cũng như đời sống xã hội, linh mục Francis nói.
Những câu hỏi này nhằm giúp đôi tân hôn chính thức xác nhận trước mặt Chúa, cộng đoàn rằng, họ thực sự ý thức và trưởng thành khi quyết định kết hôn, nghĩa là có sự tự do để lấy nhau, chấp nhận ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là yêu thương và chung thủy, sẵn sàng đón nhận và giáo dục con cái.
Phần hai, trao đổi lời thề hứa. Đây là phần chủ yếu của bí tích Hôn phối. Đôi tân hôn sẽ trao đổi lời thề hứa nhận nhau làm vợ làm chồng và cam kết trung thành với nhau suốt đời.
Phần ba: Làm phép và trao nhẫn cưới. Khi cả hai người đã đồng ý và hứa hẹn trước Chúa, người chứng giám sẽ tuyên bố hai người chính thức trở thành vợ chồng. Chú rể sẽ trao nhẫn và hôn cô dâu trước mặt mọi người như để công khai cuộc hôn nhân của họ với tất cả cộng đoàn. Chiếc nhẫn với hình vòng tròn được Thiên Chúa coi là biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu. Chính vì vậy, nhẫn là vật không thể thiếu và được chú rể trao cho cô dâu như lời hứa hẹn họ sẽ sống trọn đời bên nhau.
Tiếp đến, đôi tân hôn, hai người chứng và linh mục cùng ký tên vào Sổ Hôn phối. Sổ này được lưu trong văn khố của giáo xứ. Việc ký tên này cũng có thể được thực hiện sau thánh lễ. Nghi thức Hôn phối kết thúc.