Trong các nhóm hàng hoá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức 2,39%, do tác động từ việc tăng giá xăng dầu liên tục. Ngoài ra, cũng cộng hưởng từ việc tăng giá của các loại xăng dầu, giá vé ôtô khách cũng đã tăng nhẹ so với tháng trước. Mức tăng cao thứ hai thuộc về nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,88%. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36%. Trong đó lương thực tăng 0,68%, thực phẩm tăng 0,38% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, có nhiều nguyên nhân làm tăng CPI tháng 5. Chỉ số giá nhóm lương thực tăng do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký và tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với chỉ số nhóm thực phẩm, mức tăng 0,38% do xảy ra hiện tượng cá chết tại các tỉnh miền Trung, người dân hạn chế sử dụng thủy hải sản, cùng với việc thương lái thu gom lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc đã đẩy giá các loại thịt lên cao. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 1,98%; thịt bò tăng 0,3%; thịt gia cầm tươi sống tăng 0,09%...
Việc CPI tăng liên tiếp trong 8 tháng gần đây đã dấy lên những quan ngại về việc lạm phát sẽ quay trở lại vào năm nay. CPI năm nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng mạnh do tác động của thị trường thế giới về giá lương thực, nhiên liệu. Mặt khác, mặt bằng giá năm ngoái ở mức thấp kỷ lục nên càng tạo cơ hội cho giá các mặt hàng tăng mạnh trong năm nay.