Trắng tay vì nuôi lợn
Là hộ chăn nuôi có tiếng ở xã An Vĩnh (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), gia đình anh Đàm Trọng Sáu từng nuôi gần 400 con lợn thịt và vài chục con lợn nái nhưng giờ đây chuồng trại cả nghìn m2 chỉ còn 16 con lợn. Hơn 30 năm làm nghề chăn nuôi, chưa bao giờ anh trải qua những lúc thấp thỏm, bạc hết tóc như bây giờ.
Những năm trước, giá lợn chỉ còn 23 nghìn đồng/kg, hàng trăm con lợn bán ra không đủ bù chi phí khiến gia đình anh Sáu lỗ hơn 400 triệu đồng. Đến năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, càn quét qua trại lợn của anh; hàng trăm con lợn chết la liệt. Cả gia đình anh Sáu khóc hết nước mắt khi cơ quan chức năng đưa đàn lợn trị giá hơn 700 triệu đồng đi tiêu hủy. Bao công sức chăm nuôi đổ xuống sông, xuống biển.
Sau lần đó, anh phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền trả nợ. Cuối năm 2020, anh Sáu tiếp tục vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng để đầu tư hệ thống trang trại lợn khép kín với hi vọng có thể tránh được dịch bệnh. Anh cho biết, để nuôi 1 con lợn đến khi xuất chuồng tốn 10 - 12 bao cám, mỗi bao có giá 300 nghìn đồng. Hiện tại, giá cám tăng từ 50.000 - 60.000 đồng/bao, giá ngô tăng 3.600 - 4.000 đồng/kg. Mỗi tháng anh phải chi thêm 30 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi, chưa kể tiền thuốc men và giống.
“Cộng với giá lợn giống đang được báo với mức 3,1 triệu đồng/con, giá thành sản xuất giờ cao hơn giá bán nên càng nuôi càng lỗ. Mấy tháng nay, gia đình phải thức khuya dậy sớm để đi xin bã đậu, bỗng rượu để đỡ thêm phần nào chi phí gia tăng. Đợt vừa rồi, tôi phải bán bớt lợt để cắt lỗ. Qua đợt này, chắc gia đình tôi bỏ nghề chăn nuôi”, anh Sáu ngậm ngùi nói.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, người chăn đang gặp nhiều rủi ro khi thị trường chăn nuôi liên tục gặp khó.Theo ông Bình, sau thời điểm dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi phần lớn kiệt quệ, không dám tái đàn, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ, lẻ đang rất ngại đầu tư vào chăn nuôi. Trong bối cảnh thị trường bấp bênh, người chăn nuôi cần tiến đến những mô hình liên kết, hợp tác để hạn chế bớt rủi ro.
Giá sẽ còn tăng
Không chỉ anh Sáu, gia đình anh Lê Văn Hoàng (40 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cũng đang đứng ngồi không yên vì đàn lợn hơn 50 con đang trong độ “trưởng thành”, cần vỗ béo. Anh Hoàng cho biết, trước đây, giá lợn hơi ở mức 75.000-80.000 đồng/kg, người dân nuôi rất khéo mới có lãi, còn muốn an toàn chuyển qua nuôi gia công cho doanh nghiệp.
Theo anh Hoàng, thời gian tới, diễn biến thị trường càng khó đoán hơn, vì dịch COVID-19 phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhiều khả năng suy giảm. Giá thịt lợn hơi đã bắt đầu giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, khiến nhiều trang trại, hộ chăn nuôi lo khó cầm cự.
“Hai ba vụ yên ổn mà chỉ cần 1 lần dịch bệnh và giá thức ăn tăng như thế này thôi là mất hết. Giờ ai đầu tư cũng phải rất rón rén, cân nhắc cẩn thận”, ông Hoàng than thở.
Doanh nghiệp FDI lãi đậm
Trong khi nông dân lỗ nặng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các doanh nghiệp FDI lại thu lãi đậm nhờ chiếm lĩnh thị trường này. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, năm 2020, Công ty CP Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ USD. Riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt doanh thu gần 900 triệu USD. Công ty CJ (Hàn Quốc) cũng đạt lợi nhuận hơn 5.100 tỷ đồng.
Việt Nam có 265 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó, riêng các doanh nghiệp FDI có khoảng 85 nhà máy, song sản lượng chiếm hơn 60% thị phần sản xuất thức ăn trong nước. Riêng Công ty CP Việt Nam chiếm hơn 20% thị phần, Cty TNHH Cargill Việt Nam chiếm khoảng 9%, các DN như CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)...cũng chiếm tỷ trọng lớn.
“Thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, DN trong nước phụ thuộc vào sản xuất của doanh nghiệp FDI”, ông Trọng cho hay.
D.H
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2015 đến quý 3/2020 giá thức ăn chăn nuôi nhìn chung ổn định, thậm chí có thời điểm giảm. Từ tháng 10/2020, giá các loại nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng (tăng 5-6 đợt với mức tăng 200-300 đồng/kg/đợt) và tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình 30-35%.
Theo ông Trọng, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu thường chiếm 80-85% so với giá thành sản xuất. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến không ít hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ, không dám tái đàn như mọi năm.
Theo dự báo của Cục Chăn nuôi,thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng 5-10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại. Đến hết quý 2/2021, giá thức ăn chăn nuôi chưa có chiều hướng giảm ngay và dự kiến sẽ chỉ giảm dần hoặc bắt đầu ổn định từ tháng 7.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông Trọng cho rằng, các doanh nghiệp cần tiết kiệm nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất, đồng thời tận dụng nguyên liệu sẵn có ở trong nước khi việc nhập khẩu gặp khó. Còn với người nông dân, cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi.
Ông Trọng cũng cho biết thêm, về lâu dài, Việt Nam cần có phương án đảm bảo nguồn cung, tránh sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, trong đó chuyển đổi những diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả cao…