Điện gió “đổ bộ”
Người dân Gia Lai không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến quy mô, sự hoành tráng của các xe siêu trường siêu trọng vận chuyển cánh, thiết bị điện gió trên các ngả đường. Để đảm bảo an toàn, tạo thuận lợi trong quá trình vận chuyển, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã chủ trì cuộc họp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị điện gió trên địa bàn. Tại đây Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, địa bàn đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung quy hoạch và UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 1.242MW. Các dự án đang tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành, vận hành thương mại đúng thời hạn theo cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió của Thủ tướng Chính phủ (trước ngày 1/11/2021), trong đó công tác vận chuyển và lắp đặt các thiết bị điện gió có vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo các dự án hoàn thành theo đúng thời gian, kế hoạch đề ra.
Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông chặt chẽ về thời gian, lộ trình, lực lượng hỗ trợ vận chuyển thiết bị điện gió được thông suốt, không gây ách tắc cho các hoạt động khác, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện lưu thông trong suốt thời gian vận chuyển. Không những thế, cấp ủy, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện, chỉ đạo tháo gỡ nhiều vướng mắc khác trong quá trình thực hiện dự án cho doanh nghiệp.
Không chỉ là nguồn năng lượng sạch, điện gió còn tạo nên cảnh quan du lịch đẹp |
Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai công suất 50 MW và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai công suất 50 MW với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng là dự án đầu tiên được triển khai tại Gia Lai. Để tăng năng lực về kỹ thuật, tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, chủ đầu tư 2 dự án nói trên đã hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm trên lĩnh vực điện gió bằng hình thức góp vốn.
Để triển khai các dự án năng lượng gió với đặc thù có sức đầu tư lớn (35-40 tỷ đồng/MW) đòi hỏi đầy đủ các yếu tố và điều kiện như nguồn tài chính lớn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm triển khai, vận hành dự án. Cũng vì thế mà các nhà đầu tư trong nước phải liên doanh với nhà đầu tư FDI để huy động thêm về nguồn tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đầu tư nhằm triển khai và vận hành dự án đảm bảo đúng tiến độ, quy mô, chất lượng công trình.
Đòn bẩy kinh tế
Việc phát triển các dự án điện gió không chỉ sử dụng năng lượng sạch phù hợp với xu thế của thời đại mà còn tạo cảnh quan, tạo điểm nhấn cho du khách, thu hút khách du lịch đến tham quan tại địa phương. Như những đồi chè bạt ngàn của huyện Chư Prông xưa nay đã nổi tiếng gần xa, giờ đây có thêm các trụ điện gió khổng lồ hình thành cảnh quan du lịch hấp dẫn.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hàn Long Tử - đại diện chủ đầu tư của dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên cho biết, do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cộng với điều kiện thời tiết tại Gia Lai đang vào mùa mưa bão kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ 2 dự án trên, đây là thách thức không hề nhỏ.“Trung bình mỗi ngày ở cả hai dự án trên có khoảng 250 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia và công nhân đang nỗ lực, tích cực làm việc với tinh thần và hiệu quả cao nhất. Công nhân và nhân viên văn phòng trong buổi sáng phải vào vị trí làm việc sớm hơn bình thường, thời gian nghỉ trưa rút ngắn lại, chiều về muộn hơn chút, tất cả đều đồng tâm hiệp lực để cố gắng sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động”, ông Tử nói.
Không những thể, như nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên dự kiến khi đưa vào vận hành 2 dự án có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm, doanh thu hơn 627,6 tỷ đồng/năm, đồng thời nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm, mang lại nguồn thu ngân sách ổn định và lâu dài cho Gia Lai trong giai đoạn sắp tới. Đây là nguồn lực đáng kể góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đặc biệt, dự án góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương; đồng thời, cung cấp nguồn điện năng cho địa phương nói riêng, khu vực các tỉnh phía Nam nói chung, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia.