Ghi nhận của PV Tiền Phong, thành phố Pleiku có khoảng 200 ha gồm rau, củ, quả, hoa… đang phát triển tốt, năng suất cao phục vụ dịp Tết năm nay. Những mặt hàng này được trồng chủ yếu ở các xã An Phú, Chư Á, Trà Đa, và phường Thống Nhất. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ các sản phẩm này đang chững lại, giá thấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Anh Lê Văn Tý (36 tuổi, TP Pleiku) chia sẻ, đã kêu gọi bạn bè góp vốn đầu tư vào 500 cây đào để bán dịp Tết, mỗi cây giá khoảng 600 nghìn đồng, tuy nhiên, vài ngày mới bán được một cây nên giờ phải “cắn răng” bán giá 400 nghìn/cây mong thu lại một phần tiền vốn.
Tương tự, chị Trần Thị Thanh Nhung, 40 tuổi, xã An Phú, thành phố Pleiku buồn bã nói: “Gia đình tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng vào 7 sào xà lách và bắp sú nhưng giờ hơn một nửa không thu hoạch được, do thương lái không tới mua. Gia đình chỉ mong bán được hết đi sớm thôi, rẻ cũng được, chứ nhìn rau thối xót lắm. Nói thật với chú năm trước có khi bán được 10 nghìn đồng/kg, năm nay chỉ vài nghìn đồng mà cũng chẳng ai tới mua”.
Ông Đoàn Ngọc Có- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, đối với hoa, rau, củ… mà nông dân đầu tư phục vụ Tết, tỉnh Gia Lai sẽ có kế hoạch vận động cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị mua ủng hộ cho người dân nhằm giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn. Đặc biệt, ông Có nói sẽ ưu tiên vận động mua ủng hộ các mặt hàng ngắn ngày như hoa, rau.
Theo ông Có, Sở NN&PTNT Gia Lai vừa ban hành kế hoạch (2/2) về việc đảm bảo việc thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong vùng dịch COVID-19. Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, các siêu thị có giải pháp thu mua, tiêu thụ hết nông sản tươi sống cho nông dân, hợp tác xã ở vùng dịch COVID-19.
Cùng đó, có kế hoạch kéo dài thời gian thu hoạch nông sản, chờ qua dịch COVID-19 tiếp tục thu hoạch, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, cũng như tăng cường các biện pháp bảo quản nhằm tạm trữ nông sản chưa tiêu thụ được trong giai đoạn hiện nay, tránh phát sinh rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.