"Gia đình tôi cũng hạn chế đi xe cá nhân"

"Gia đình tôi cũng hạn chế đi xe cá nhân"
TPO - Phát biểu tại Hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện sáng nay (27-3), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, hạn chế ô tô cá nhân đã được nghĩ tới từ 9 năm trước.

> Thu phí phương tiện cá nhân không khả thi
> Thu phí phương tiện cá nhân: Sẽ lấy ý kiến người dân

Giờ đụng tới việc này là đụng tới quyền lợi cá nhân, tuy nhiên nếu ai cũng thực hiện quyền của mình thì không ai có quyền được đi trên đường nữa. Hiện gia đình ông cũng đã hạn chế đi xe cá nhân.

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, thời gian qua các cấp, các ngành của TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm đến đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông, giải tỏa hành lang giao thông…., góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Tình hình TNGT và ùn tắc giao thông đã có những chuyển biến; tình trạng ùn tắc và thời gian ùn tắc nghiêm trọng tại một số nút giao, một số tuyến đường đã được giảm thiểu. Tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố những năm gần đây giảm cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng (Năm 2010 xảy ra 1.109 vụ, làm chết 807 người, bị thương 478; Năm 2011 xảy ra 1.027 vụ, làm chết 749 người, bị thương 443 người; 2 tháng đầu năm 2012 xảy ra 64 vụ, làm chết 60 người, bị thương 16 người).

Bên cạnh đó, TP đã thực hiện điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn 10 quận và 2 huyện nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Qua thực hiện, đã điều chỉnh thời gian kết thúc giờ học buổi chiều của học sinh THPT, giờ vào học và giờ tan học của học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở; bố trí điều chỉnh lượng xe buýt…

Kết quả cho thấy đã giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm từ 124 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông xuống còn 74 điểm, giảm 40% số vụ ùn tắc giao giao thông.

Cảnh tắc đường thường thấy ở nội đô Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cảnh tắc đường thường thấy ở nội đô Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân là do thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề quy hoạch còn nhiều yếu kém, bất cập; tiến độ GPMB và nhà đất ở tái định cư để triển khai một số dự án giao thông trọng điểm còn chậm…

Bên cạnh đó là do hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu, nhiều cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, chưa có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng dựng điểm, bãi đỗ xe; Vận tải hành khách công cộng chủ yếu bằng xe buýt, chưa phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng chưa cao; việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện… của các Bộ chủ quản còn chậm; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, trông giữ phương tiện vẫn còn phổ biến và phức tạp….

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, công tác đảm bảo an toàn giao thông và các giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách đối với cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng.

Bên cạnh đó, Bí thư cũng chỉ rõ, đối với Thủ đô Hà Nội, vấn đề giao thông càng bức xúc, nóng bỏng, hết sức khó khăn, về mật độ dân cư, giao thông cao nhất cả nước với gần 5 triệu phương tiện ô tô, xe máy đang lưu hành, dân số cuối năm 2011 là 7,1 triệu người, chưa kể vãng lai. Nếu không tổ chức, quản lý tốt vấn đề giao thông thì hệ lụy sẽ khó lường…

Chính vì vậy, để giải quyết một cách căn bản, lâu dài về giao thông, đồng chí Bí thư yêu cầu phải làm tốt công tác quy hoạch cho cả hiện tại và tương lai. Giao thông phải đi trước một bước, đón đầu, mở đường cho kinh tế phát triển. Đồng thời phải đầu tư đồng bộ từ giao thông tĩnh, đường bộ, đường sắt đô thị…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của người dân và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp đối với các lực lượng thực thi công vụ, nhất là ở cấp cơ sở. Thời gian tới Hà Nội phải làm một cách kiên quyết, hết sức cầu thị, lắng nghe những ý kiến đúng và phải có lập luận chặt chẽ để bảo vệ chủ trương, biện pháp mà Hà Nội đang thực hiện.

“Cấm trông giữ xe rất có hiệu quả, ngay gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân vì khó tìm chỗ đỗ và phí cao. Có khi tiền đi taxi ngang bằng phí đỗ xe", ông Nghị nói và cho rằng biện pháp đổi giờ học, giờ làm thời gian qua nhìn chung có hiệu quả, không vì vài vụ ùn tắc tại cổng trường, một số tuyến phố mà phủ nhận hiệu quả của nó.

Theo Viết
MỚI - NÓNG