> 'Bãi vàng, đá quý, trầm hương' của Nguyễn Trí
> Hé lộ tác giả những bức ảnh trực thăng Mỹ di tản 30/4
Có thể như vậy, hoặc không, bởi Xác thịt về đâu (bản tiếng Việt 610 trang) thuộc loại sách mà người ta có thể đọc vài lần trong đời, lớn lên già đi qua từng lần đọc và mỗi lần sẽ là một cảm nhận rất khác.
Có thể khi còn trẻ, người ta sẽ nghĩ như trên (ngờ vực, hoài nghi), nhưng tôi không chắc cảm giác đó vẫn còn nếu đọc khi về già.
Viết tiểu thuyết bán tự truyện này trong vòng 10 năm gần cuối thế kỷ 19, nhà văn Samuel Butler đã không thể xuất bản khi ông còn sống. Bởi, đây là tác phẩm có tính phá vỡ khuôn mẫu các tiểu thuyết đạo đức (hoặc đạo đức giả) thời Victoria, tiêu biểu là văn của Charles Dickens hay chị em nhà Bronte, đồng thời có nhiều người thân của ông được dùng làm hình mẫu cho cuốn sách.
Xác thịt về đâu kể về 5 thế hệ trong dòng họ Pontifex, mỗi thế hệ chọn ra một người có số phận tiêu biểu, nói về đời sống hôn nhân và cách họ đối xử với thế hệ kế tiếp.
Có một điểm đặc biệt ở ngòi bút của Samuel Butler phải nêu ngay: Mỗi khi nói về một thế hệ, ông không chọn những người nổi bật, sáng láng, thành đạt nhất. Ông chọn những người yếu thế, rụt rè, thiếu tự tin, thiếu cả may mắn, phải vật lộn với công cuộc sinh tồn, trưởng thành và khẳng định mình.
Butler chọn những nhân vật như thế để nói lên sự thật về gia đình mà ngoài ông ra ít ai nhận thấy hoặc dám nói (như một nhà văn lớn khác là George Orwell về Butler), đó là: “Khi về già, chúng ta biết rằng cuộc sống chủ yếu là những hù dọa nhau hơn là những tổn thương thật sự”.
Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Ernest Pontifex (có thể là hóa thân của tác giả). Ernest dành cả đời phấn đấu để không đi theo con đường của người ông George - nghiện rượu và tàn bạo nhưng rêu rao đạo đức, hoặc bố mẹ Theobald và Christina - hành hạ con cái, giả tạo rỗng tuếch, cũng rêu rao đạo đức.
Đó là “con đường của xác thịt” - The Way of All Flesh, tên gốc của cuốn tiểu thuyết. Mỗi thế hệ lại giày vò thế hệ tiếp theo, bất chấp việc chính họ từng là nạn nhân, như một “hiệu ứng domino” không bao giờ chấm dứt của đời người.
Franz Kafka từng nói: “Một cuốn sách khiến ta hạnh phúc thì chính ta cũng có thể viết được nếu cần phải như thế. Còn những cuốn sách ta thực sự cần là những cuốn sách tác động đến ta như thể một thảm họa, khiến ta đau khổ sâu sắc, như thể cái chết của một người thân thương, hoặc như thể bị đày đọa trong rừng hoang cách xa thế giới loài người, hoặc như thể tự tử”.
Xác thịt về đâu có lẽ không đau đến mức độ ấy, nhưng buồn thì chắc chắn. Nhưng ai cũng biết, cuộc đời thỉnh thoảng cần những nỗi buồn, cũng như cần những cuốn sách hay.
Và bởi vậy, nỗi ái ngại cuốn sách sẽ khiến người đọc ghét bỏ hoặc sợ hãi trách nhiệm gia đình, như nói ở đầu bài, với nhiều người lại không hề tồn tại. Trái lại, có vẻ như những người đang đứng trước ngưỡng cửa gia đình hoặc sắp làm cha mẹ đều nên đọc cuốn sách này, nếu như họ thực sự nuôi hy vọng sớm chấm dứt sự “giày vò tiếp nối” như đã nói ở trên.
Sách xuất bản lần đầu năm 1903, nhưng tư tưởng về gia đình của Butler, cách ông nói lên những gì mọi người đều biết song ít ai dám nói, vẫn bắt kịp đời sống và tư duy đương đại. Nhiều độc giả phương Tây không đồng ý với nhận định này, cho rằng những “ông bố bà mẹ độc đoán và giận dữ” đã không còn nhiều trong xã hội phương Tây.
Có lẽ thế, nhưng tôi đang nói đến bản dịch tiếng Việt, đối tượng là độc giả Việt Nam. Hãy thử liên hệ xã hội Việt Nam đương đại và suy ngẫm.
Xác thịt về đâu (The Way of All Flesh) đứng thứ 12 trong 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library. Bản tiếng Việt thuộc tủ sách Cánh cửa mở rộng của Ngô Bảo Châu- Phan Việt. |