Gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh qua ký ức của những người cháu nội

Gia đình học giả Nguyễn Văn Vĩnh qua ký ức của những người cháu nội
TP - Một buổi sáng cuối thu, có người phụ nữ đã luống tuổi tìm đến văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại TP HCM. Bà tự giới thiệu tên là Nguyễn Nga Mỹ - con của ông Nguyễn Dương và là cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

> Người đàn bà đứng sau học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Gia đình ông Nguyễn Hải chụp hình với các cô chú cùng bà nội sau khi ông Nguyễn Hải mất. Nguyễn Lân Đính ngồi hàng dưới cùng (Thứ 3 tính từ trái qua). Cụ bà Vĩnh ngồi giữa ở hàng giữa
Gia đình ông Nguyễn Hải chụp hình với các cô chú cùng bà nội sau khi ông Nguyễn Hải mất. Nguyễn Lân Đính ngồi hàng dưới cùng (Thứ 3 tính từ trái qua). Cụ bà Vĩnh ngồi giữa ở hàng giữa.

Bà Mỹ đưa một lá đơn đề nghị nói lại cho cụ thể về hai bài viết đăng cách đây chưa lâu trên báo Tiền Phong: “Người đàn bà đứng sau học giả Nguyễn Văn Vĩnh” và bài “Tuổi thơ Nguyễn Nhược Pháp” của tác giả Khúc Hà Linh.

Tuy nhiên lá đơn không đứng tên bà Mỹ mà đứng tên của một người cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh khác: Ông Nguyễn Lân Đính - con ông Nguyễn Hải.

Chúng tôi đã gặp cả hai người cháu nói trên của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Trong cuộc trao đổi, cả ông Đính và bà Vĩnh khẳng định, những vấn đề chưa đúng trong hai bài báo đều không lớn, nhưng có thể gây hiểu nhầm cho người đọc cũng như làm sai lệch lịch sử. Cụ thể, với bài báo “Người đàn bà đứng sau học giả Nguyễn Văn Vĩnh”.

- Chi tiết thứ nhất: học giả Nguyễn Văn Vĩnh được cải táng sau hơn 3 năm chôn cất theo đúng phong tục tập quán của người miền Bắc chứ không phải chỉ sau vài tháng như bài báo đã nêu. Bà Nguyễn Thị Mười - Con gái cụ Vĩnh sinh năm 1919 hiện vẫn còn sống và còn minh mẫn đã khẳng định điều đó.

- Chi tiết thứ hai: về ngôi nhà số 25 Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) mà cụ ông và cụ bà Vĩnh đã từng sống. Ông Nguyễn Lân Đính khẳng định ngôi nhà đó là của anh em bên mẹ ông mua và cho mẹ cùng anh em ông ở từ năm 1942, tức là sau 6 năm cụ Vĩnh mất thì làm sao cụ Vĩnh có thể ở đó được. Và tới năm 1954, trước khi cả gia đình ông bà Nguyễn Hải di cư vào Nam, bà Hải đã mời bà Vĩnh về ở.

- Chi tiết thứ 3: theo ông Đính, cụ bà Vĩnh là một người rất đảm đang, khéo thu vén, tần tảo nên không chỉ lo cho mười mấy người con trong đó có nhiều người thành đạt mà còn giúp đỡ chồng rất nhiều khi cụ Vĩnh gặp khó khăn về tài chính. Thậm chí dù Nguyễn Nhược Pháp là con riêng của chồng nhưng bà vẫn nhận nuôi và coi như con ruột. Trong kháng chiến chống Pháp, bà Vĩnh cũng giúp đỡ tài chính rất nhiều để các con tham gia kháng chiến.

Về bài báo “Tuổi thơ Nguyễn Nhược Pháp” cũng có một chi tiết sai là “Được tin anh Hải mất trong Nam, Nguyễn Nhược Pháp buồn đau…”. Điều này là không thể bởi Nguyễn Nhược Pháp mất năm 1938, còn Nguyễn Hải mất năm 1939 thì sao người mất trước có thể buồn đau người mất sau được? Ngoài ra tên người con trai của cụ Vĩnh là Nguyễn Văn Phổ chứ không phải là Nguyễn Phổ.

Trong gia tộc họ Nguyễn Văn Vĩnh, chỉ trừ Nguyễn Văn Phổ là có tên đệm chữ Văn và những người con riêng có tên đệm, còn lại các con trai cụ Vĩnh chỉ có tên và họ. Tuy nhiên đến đời thứ 3 trở đi thì đa số con trai đều được đặt tên chữ đệm là Lân còn con gái thì có tên cuối là Mỹ.

Ngay từ khi còn đi học, ông Nguyễn Lân Đính đã bị nhiều người nhầm là con của gia đình nhà giáo Nguyễn Lân - Một dòng họ nổi tiếng về sự học ở Việt Nam. Ông Đính còn nhớ vào khoảng năm 1943- 1944, khi ông đang theo học tại trường Albert Sarraut, ông có được theo học thầy Nguyễn Lân.

Bà Mỹ và ông Đính cũng cám ơn tác giả Khúc Hà Linh đã quan tâm tới gia tộc của dòng họ Nguyễn Văn Vĩnh, tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu, tham khảo cần có sự đối chứng kỹ hơn nữa để tránh những sai sót. Con cháu cụ Vĩnh hiện đã lên tới 6 đời với vài trăm người.

Ngoài ra, cách đây 5 năm, Nguyễn Hồng Phúc – Con trai trưởng của Nguyễn Lân Chi (Cháu đích tôn của cụ Nguyễn Văn Vĩnh) đã bỏ công sức đi sưu tầm những tài liệu, hình ảnh liên quan đến gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh, trong đó có những tư liệu ghi nhận, chọn lọc và tổng hợp từ trí nhớ của rất nhiều người trong dòng tộc nên có những cơ sở khoa học để làm căn cứ khi nghiên cứu.

Hiện nay, trang web nguyenvanvinh.net do Nguyễn Hồng Phúc có lưu rất nhiều tư liệu và đã được nhiều người trong dòng tộc công nhận là trang web có những thông tin chính xác nhất.

Ông Nguyễn Lân Đính là con thứ 3 của ông Nguyễn Hải- Con trưởng của cụ Vĩnh. Ông Hải du học bên Pháp, nhưng giữa chừng thì về nước cưới vợ. Vợ ông Hải là bà Trần Thị Kim, con gái của ông Trần Văn Thông, Tổng đốc thành Nam Định.

Bà Kim còn có người anh trai khá nổi tiếng sau này là ông Trần Văn Chương, từng làm đến chức đại sứ của Việt Nam cộng hoà tại Mỹ và có cô con gái tên Trần Lệ Xuân - Nổi tiếng với vai trò bà Cố vấn - Tức phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu trong chính quyền Sài Gòn.

Ông Trần Văn Thông quê ở Biên Hoà nhưng được triều Nguyễn cử ra làm tổng trấn Nam Định.

Sau khi cưới vợ, ông Hải đã đưa vợ sang Pháp và đã sinh hạ được hai người con là Nguyễn Lân Chi (1928) và Nguyễn Thị Khuê Mỹ (1930).

Cũng trong năm này, bà Kim tiếp tục mang thai đứa con thứ 3 tại Pháp nhưng bà lại trở lại Việt Nam và sinh con tại Nam Định vào ngày 21-2-1931: Đó chính là Nguyễn Lân Đính. Tuy không phải là cháu đích tôn của cụ Vĩnh nhưng ông Đính lại có may mắn là đứa cháu được sống nhiều nhất với ông nội.

Sau khi sinh 15 ngày, bà Kim đã giao ông Đính cho bên nội nuôi và ông Đính được sống một thời gian trong ngôi nhà ở Thuỵ Khuê cùng với ông bà nội và các cô chú ruột.

Nhưng vì ông nội mất sớm (1936) nên trong tâm trí của đứa trẻ mới vài tuổi đầu, ông Đính chỉ nhớ là ông nội hay cho ông cháu ngồi lên đùi để ông nựng, có lần khi đi Lào về ông nội vừa bế ông khi ngồi trên ghế vừa xoay xay chiếc lọ thủy tinh đựng mạt vàng, khoe với mọi người.

Một chi tiết nữa ông Đính vẫn nhớ là có một lần do ông khóc, đòi ngồi ăn cùng bàn với mọi người nên đã bị chú Pháp (Nguyễn Nhược Pháp) tát một cái. Tuy nhiên cũng như nhiều cô chú khác, chú Pháp cũng rất chiều cháu và hay chở cháu đi chơi, thậm chí chở vào cả toà báo để xem chú làm việc.

Mãi tới năm 1939, sau khi ông Hải mất tại miền Nam, bà Kim mới đưa các con ra Hà Nội sinh sống và ông Đính mới được sống cùng anh chị em ruột. Tuy nhiên ông vẫn qua lại với bà nội và các cô chú.

Như nhiều cô chú trong dòng tộc Nguyễn Văn Vĩnh, ông Đính học cũng rất giỏi và tốt nghiệp tú tài 2 vào năm 1950 tại trường Albert Sarraut (Nay là trường PTTH Trần Phú- Quận Hoàn Kiếm).

Năm 1951, ông Đính đi du học tại Pháp và lấy bằng tiến sỹ Y khoa năm 1958 với chuyên môn về dinh dưỡng. Thời điểm đó tại Việt Nam chưa có một ai có chuyên môn sâu về dinh dưỡng đến như thế.

Vì là đề tài tự đăng ký nên ban đầu ông Đính không được theo học chính quy. Và năm 1954 Pháp rút khỏi Việt Nam nên ông Đính trở thành du học sinh tự do.

Muốn làm được tiến sỹ chuyên ngành dinh dưỡng, ông phải có học bổng của chính phủ. Bí quá, ông đã nhờ em gái liên lạc với Trần Lệ Xuân để nhờ giúp đỡ.

Theo em gái ông kể lại thì khi nghe trình bày, bà Xuân đã nhấc điện thoại gọi cho ai đó và chỉ một tuần sau, ông đã có học bổng để tiếp tục làm luận án tiến sỹ.

Năm 1959 ông Đính trở về nước (Thời điểm này cả gia đình ông đã đi cư vào Nam nên ông bay thẳng từ Pháp về Sài Gòn) và tham gia làm việc tại Phòng thí nghiệm khảo cứu dinh dưỡng.

Năm 1967, ông bị trưng tập vào Cục Quân y Quân lực Cộng hoà và sau đó làm Giám đốc Chương trình dinh dưỡng cho đến năm 1975.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Đính không đi nước ngoài như nhiều người mà ở lại, làm qua nhiều công việc trước khi về làm giám đốc Trung tâm dinh dưỡng trẻ em thuộc Sở Y tế TP HCM.

Tại đây, với khả năng chuyên môn của mình cùng với những mối quan hệ với nhiều tổ chức y tế trên thế giới có từ trước năm 1975, ông Đính đã cùng nhiều y bác sỹ có tâm huyết xây dựng trung tâm thành trung tâm chăm sóc, tư vần về dinh dưỡng hàng đầu của Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.