Cơn bão COVID-19 đang để lại tác động chưa từng có, nhiều người lao động mất việc làm với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Xúc động, xót xa khi chúng ta xem những thước phim “Ranh giới” về cuộc chiến đấu chống lại tử thần ở Bệnh viện Hùng Vương - một góc nhỏ của TPHCM rộng lớn. Rồi bao nhiêu cảnh đời đáng thương khác trong xã hội khi cơn bão COVID-19 quét qua.
Để giữ được nguồn thu nhập ổn định cho khoảng 6.000 người lao động, có một vị “thuyền trưởng” đang ngày đêm trăn trở, lo nỗi lo của hàng ngàn người để gồng mình chèo lái con thuyền Đèo Cả vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này. Gần 2 năm đại dịch xuất hiện khiến cả thế giới thay đổi, tại Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 85.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020); hàng trăm ngàn người lao động mất việc làm... Đó là những con số “biết nói” về tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế - xã hội. Đó cũng là lúc người lao động trong hệ thống Đèo Cả nhận được thông điệp từ người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả: “Các bạn là gia đình của tôi”.
Với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, vào thời điểm đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đã đích thân đến từng dự án, trạm thu phí để động viên tinh thần người lao động.“Giờ này, nếu các bạn đang làm việc cho doanh nghiệp khác, các bạn có thể đã được nghỉ việc ở nhà với gia đình. Nhưng đối với Đèo Cả, chúng ta vẫn không rời vị trí làm việc, guồng máy của hệ thống vẫn chạy và chúng tôi đảm bảo công việc cho các bạn với điều kiện chúng ta thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc những yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19”, ông Hoàng phát biểu trước cán bộ, người lao động tại công trường Dự án hầm Hải Vân 2 sáng 30/3/2020.
Giữa lúc dịch bệnh bùng phát, hàng trăm người lao động tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, nhân viên các trạm thu phí, nhân viên các văn phòng thuộc Tập đoàn Đèo Cả được tiêm vắc-xin. Cũng chứng kiến hình ảnh cảm động khi lãnh đạo Tập đoàn chờ ở cổng khu cách ly để đón những cán bộ, nhân viên của Đèo Cả hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Tiền Giang.
Gần 4 tháng, hầu hết cán bộ nhân viên Đèo Cả ở khu vực phía Nam không thể trực tiếp đến văn phòng làm việc. Có những nhân viên làm việc từ xa, nhưng có người do đặc thù công việc không thể làm việc tại nhà. Tuy nhiên, không một nhân sự nào bị cắt giảm. “Thời gian qua, dù công việc bị ảnh hưởng nhưng tôi vẫn được công ty trả lương đều đặn, trong khi không ít bạn bè, người quen có người bị trễ lương, thậm chí thất nghiệp. Tôi đang là lao động chính nên khoản tiền lương đó thực sự ý nghĩa với gia đình tôi trong thời điểm khó khăn này”, chị Ngọc Phượng, nhân viên tạp vụ tại trụ sở Đèo Cả, số 32 Thạch Thị Thanh, Quận I, TPHCM chia sẻ.
Chị Võ Thị Bích Ngọc, nhân viên kinh doanh Công ty An Ninh Đèo Cả chia sẻ:“Dù chỉ làm việc tại nhà nhưng những tháng qua tôi vẫn được công ty trả lương đúng ngày theo quy chế lương mới. Tôi hiểu được đây là sự chia sẻ rất lớn của Tập đoàn. Mong rằng đại dịch sẽ chóng qua, chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường và tôi cũng mong muốn được gắn bó lâu dài, cống hiến nhiều hơn cho Tập đoàn”.
Từ tâm dịch, mỗi cán bộ nhân viên Tập đoàn Đèo Cả đều thấy sự hứng khởi, thành phố mang tên Bác rồi cũng trở lại nhịp sống thường nhật và họ đã sẵn sàng cho sự trở lại đó.