Gia đình 3 đời, 18 người bị tâm thần giữa lòng thủ đô

TPO - Trong suốt 40 năm qua, lần lượt 8 người con và hơn 10 cháu ông Nguyễn Văn Tưng (SN 1941, ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được sinh ra nhưng tất cả đều bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam khiến cuộc sống gia đình ông rất khó khăn.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Về thôn Võ Lao, xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội) để tìm hiểu về gia đình bất hạnh nhất làng, ai nấy đều chỉ đường dẫn lối vào ngồi nhà cấp 4 sập sệ của gia đình ông Nguyễn Văn Tưng (77 tuổi).

Trước đây ông Tưng từng là trai tráng khỏe mạnh nhất làng. Sau đó ông nam tiến đi chiến đấu ở chiến trường Bình – Trị - Thiên. Năm 1970, ông trở về quê kết duyên với bà Đỗ Thị Xúi (73 tuổi) và sinh ra được 8 người con. Thật không may, cả 8 người con của ông bà đều mắc chứng bệnh tâm thần, không thể nhận thức như người bình thường.  

Gia đình 3 đời, 18 người bị tâm thần giữa lòng thủ đô ảnh 1 Ngôi nhà gia đình ông Nguyễn Văn Tưng ở xã Văn Võ.

Tưởng chừng những khó khăn đó là quá đủ đối với gia đình ông bà nhưng không lâu sau ông Tưng phát hiện bệnh lạ. Nguyên nhân là do di chứng chiến tranh để lại. Vợ ông là bà Xúi cũng bị liệt không còn khả năng đi lại, lao động sản xuất.

Cùng thời điểm đó, con trai thứ 2 của ông tên Thêm lấy vợ, lần lượt sinh ra 5 người con. Tuy nhiên cả 5 cháy nội ông đều không may mắn như những đứa trẻ khác, đều mắc bệnh tâm thần. Cả gia đình hơn 10 người phụ thuộc vào phần trợ cấp thương binh 350.000 đồng/tháng của ông Tưng.

Trong ngôi nhà cấp 4 trống hoác cuối làng, bà Xúi tỏ ra bất ngờ khi có người hỏi thăm. Sắp lại dụng cụ đan nón giữa nhà, bà rơm rớm khi nhắc về những đứa cháu nội không may mắn. Bà kể, hiện nay 3 người con đầu của vợ chồng anh Thêm đều lang thang, đi nhặt rác. 2 con út anh ở nhà cùng bố mẹ và ông bà.

Trong 5 cháu nội, Tư là người bị ảnh hưởng di chuyền chất độc da cam nặng nhất. Dù đã 13 tuổi nhưng Tư vẫn không nói được, mỗi lần muốn làm việc gì chỉ ú ớ, chỉ trỏ, thậm chí còn không biết tự chủ.

Gia đình 3 đời, 18 người bị tâm thần giữa lòng thủ đô ảnh 2  Ông Nguyễn Văn Tưng chăm đàn vịt tại nhà.

Cuộc sống mưu sinh vất vả

Nhắc tới các cháu nội, đôi mắt chằng chịt vết chân chim của bà Xúi đỏ hoe. Dù bệnh tật đeo bám cả gia đình suốt hàng chục năm qua nhưng bà luôn tự an ủi động viên các con cố gắng làm mọi việc để nuôi các cháu.

"Hàng ngày tôi cùng các con gái bị trầm cảm ở nhà đan nón. Người dân trong làng biết hoàn cảnh gia đình thường mua ủng hộ”, bà Xúi nghẹn ngào.

Vừa dứt lời, bà Xúi nhìn Năm (11 tuổi) mà rằng, dù được chính quyền địa phương hỗ trợ đi học nhưng cháu nội út bà cũng không thể tiếp thu như những đứa trẻ khác, vẫn đang học lớp 1. Sau giờ lên lớp, Năm về giúp bà và bá làm nón bán.

Gia đình 3 đời, 18 người bị tâm thần giữa lòng thủ đô ảnh 3 Nguyễn Văn Tư (cháu nội ông Tưng), 13 tuổi nhưng chưa biết nói, không nhớ tên.

“Nó năm nay 11 tuổi rồi đấy, học mấy năm nhưng không lên được lớp. Về nhà cũng không ai dạy được vì không ai được đi học cả. Còn Thêm – bố Năm thường xuyên bệnh tật. Mới đây, được người dân trong làng giúp đỡ thỉnh thoảng gọi đi bán thang tre nhưng mỗi lần đi cả tuần mới về”, bà Xúi nói.

Ông Nguyễn Văn Thắng – trưởng thôn Võ Lao cho biết, gia đình ông Tưng thuộc diện đặc biệt khó khăn đã hơn 40 năm nay kể từ khi ông đi chiến tranh về và mắc bệnh. Gia đình ông Tưng không có khả năng làm kinh tế, chỉ trông chờ vào mấy xào ruộng và tiền trợ cấp.

Gia đình 3 đời, 18 người bị tâm thần giữa lòng thủ đô ảnh 4 Bà Xúi cùng con gái và cháu nội đan nón tại nhà kiếm thêm thu nhập.

Mới đây, các đơn vị từ thiện đã giúp gia đình ông Tưng xây dựng một căn nhà cấp 4 mới khang trang và chắc chắn hơn để gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình ông Tưng vẫn rất khó khăn bởi các con, cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, không có khả năng nhận thức, học tập. Chính quyền địa phương hỗ trợ Tư và Năm tiền, quần áo hàng tháng và cho các cháu đi học.

MỚI - NÓNG