Giá đền bù đất 10 năm không đổi, còn chi phí sinh hoạt ngày càng tăng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cử tri cho rằng, giá đền bù đất thu hồi không thay đổi trong 10 năm gần đây, trong khi giá cả các loại nguyên vật liệu, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, xăng dầu, thực phẩm… ngày càng tăng.

Ngày 27/6, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 7 đã tiếp xúc cử tri huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tiến hành trực tiếp tại điểm cầu huyện Đan Phượng và trực tuyến tới các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ.

Tại hội nghị, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã báo cáo nhanh tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó, kỳ họp đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Sau khi nghe báo cáo, cử tri Nguyễn Thị Hoa (xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng) cho rằng, trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thời gian qua đã phát sinh nhiều vướng mắc. Ví như, giá đất đền bù không thay đổi trong 10 năm gần đây, trong khi giá cả các loại nguyên vật liệu, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, xăng dầu, thực phẩm… ngày càng tăng. Cử tri Nguyễn Thị Hoa cũng kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ phần diện tích đất nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây ăn quả khi thu hồi đất phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Cử tri Nguyễn Tiến Huệ (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho biết, mặc dù giá đất bồi thường thấp nhưng hiện chưa có chính sách hiệu quả hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người dân.

Giá đền bù đất 10 năm không đổi, còn chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ảnh 1
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu ý kiến cử tri và làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm

Một số cử tri khác cũng cho rằng chính sách thu hồi đất không thống nhất, thay đổi liên tục, gây thắc mắc cho người dân. Vì vậy, cử tri đề nghị xây dựng bảng giá đất đền bù giải phóng mặt bằng theo thị trường và áp dụng thống nhất cho cả dự án công cộng lẫn dự án thương mại.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đánh giá cao các ý kiến rất trách nhiệm, tâm huyết của cử tri huyện Đan Phượng.

Bà Mai cho rằng, các ý kiến trên xuất phát từ thực tiễn và rất xác đáng. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tiếp nhận ý kiến cử tri và sẽ tổng hợp đầy đủ và sẽ truyền tải đến Quốc hội.

Ngoài ra, bà Phạm Thị Thanh Mai cũng trao đổi thêm một số thông tin về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Các ý kiến của cử tri trước đó đã được Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã chuyển tải tới diễn đàn Quốc hội.

Bà Mai cũng cho biết, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề về chính sách tài khóa, tiền tệ và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó có dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Do đó, các ý kiến cử tri nêu liên quan đến các lĩnh vực này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tổng hợp đầy đủ, chính xác để chuyển tải tới Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Bà Mai cũng cho biết, thời gian qua, nhiều ý kiến kiến nghị liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã được tổng hợp, gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.