Con thuyền thanh thản giữa lặng thinh của không gian, chúng tôi trôi đi như mộng. Thi thoảng giật mình khi gặp những vách dựng đứng, những "cọc vài" (tiếng Tày, nghĩa là cọc buộc trâu) đá vôi sừng sững đâm lên từ giữa hồ, hay thốt lên ngỡ ngàng vì tán cây thay lá màu lá trên vách núi nàng tiên, nơi ánh mặt trời hắt những tia nắng mong manh như lụa.
Vây lấy lòng hồ mềm mướt nũng nịu là 99 ngọn núi thiêng sừng sững, mây vờn bốn bề. Núi Pắc Tạ (hay Xa Tạ) cao nhất, gắn liền với truyền thuyết loài voi rừng bị khuất phục bởi hương vị êm nồng của rượu ngô và tài trí người dân xứ này.
Buông mái chèo, tôi đến với hành trình qua ghềnh qua thác hùng vĩ uy phong. Khắp xung quanh rổn rảng tiếng chim rừng, lung linh những đốm lan dại níu chân tôi suốt dọc đường mòn đi sâu vào lòng núi. Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Pắc Ban...những con suối lượn vòng trên cao rồi buông mình thành thác trắng xóa, dữ dội lẫn với kiêu kì. Trong thăm thẳm rừng xanh Na Hang là khu bảo tồn các loài thú hiếm, nuôi trồng những cây gỗ hiếm đinh, lát, nghiến ngàn năm.
Nhưng cái say với thiên nhiên còn chưa đủ bằng cái say tình với miền sơn cước. Thượng Lâm vốn nay đã nổi tiếng là miền gái đẹp. Tôi may mắn được thưởng thức sắc đẹp và giọng hát của các cô gái dân tộc ngay trên đường dạo Hồ Na Hang. Những điệu then, hát lượn người Tày; sli người Nùng hay người Sán Dìu có hát soọng.
Đến Na Hang ăn món ngon đặc sắc của vùng cao, như bánh cuốn cà cuống, cơm lam, măng rừng, thịt trâu..., nhấp với rượu ngô men lá Sơn Phú, thấy vị say rõ rệt từng giác quan.
Chỉ lưu lại một ngày ngắn ngủi, Na Hang đã chiếm trọn trái tim tôi mà giấu miết vào lòng hồ sâu, để tôi về dưới xuôi rồi, vẫn bồi hồi mong nhớ những nét cười xinh những lời thẽ thọt, nhớ vị tê cay và màu xanh ngút ngàn.