Gặp tài xế chở Dương Văn Minh đi tuyên bố đầu hàng

Gặp tài xế chở Dương Văn Minh đi tuyên bố đầu hàng
Trưa 30/4/1975, được lệnh chở hai người đàn ông to béo, bệ vệ tới Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng nhưng ông Vân không biết đó là đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn.

> Hóa giải hận thù trong lòng nước Mỹ

> Hé lộ tác giả những bức ảnh trực thăng Mỹ di tản 30/4

Ngày 30/4/1975, chiến sĩ giải phóng quân Đào Ngọc Vân (quê Thanh Hoá) tròn 25 tuổi. Ông chính là người lái chiếc xe Jeep, biển số 15778, cùng đồng đội ở Trung Đoàn 66 áp giải Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Ngồi trong căn nhà nhỏ trên phố Ngô Văn Sở (TP Thanh Hóa), người đàn ông tuổi lục tuần bắt đầu kể về một thời binh nghiệp hào hùng. 18 tuổi, ông xung phong vào chiến trường nhưng vì không đủ cân (lúc đó chỉ nặng 30kg) nên bị đơn vị từ chối vì nghĩ "còn trẻ con chưa thể cầm nổi cây súng huống hồ ra trận đánh giặc".

Kế hoạch bất thành, ông làm đơn xin vào làm công nhân ở Đội giao thông thuộc Phòng Thị chính, thị xã Thanh Hoá. Thời gian này, ông lái máy ủi san đường cho xe bộ đội qua cầu Hàm Rồng. Năm 22 tuổi, khi ông đang là công nhân giao thông thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

Chiếc xe Jeep đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh tư liệu
Chiếc xe Jeep đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh tư liệu.

Theo lệnh Tổng động viên, mùa xuân năm 1972 ông Vân lên đường nhập ngũ. Khi quân và dân miền Bắc phải gồng mình đánh trả các cuộc oanh tạc chiến lược B52 của Mỹ, thì miền Nam bắt đầu bước vào tổng tiến công khắp chiến trường.

Hai tháng sau, ông cùng đơn vị có mặt tại chiến trường Quảng Trị và biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Đại đội có nhiệm vụ phụ trách pháo lực của Trung đoàn. Đây cũng là lần đầu ông được thử sức bằng trận đánh Đường 9 Nam Lào. Chính trận này, Đào Ngọc Vân đã ngồi vào chiếc xe Jeep, biển số 15778, là chiến lợi phẩm thu được sau trận chiến.

"Thấy chiếc xe quân địch bỏ lại, trong lúc cao hứng, tôi lao lên cầm vô lăng rồi đạp côn, vào số, nhấn ga, đạp phanh, cua trái, quành phải khá thông thạo. Đồng đội ngạc nhiên mắt tròn mắt dẹt, cứ vỗ tay rào rào. Thế là thủ trưởng Trung đoàn 66 chấp nhận cho tiểu đội của tôi thu giữ chiếc xe", ông Vân nhớ lại.

Tướng Dương Văn Minh (người ngồi bên phải) chuẩn bị đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh do phóng viên ảnh hãng thông tấn AP thực hiện
Tướng Dương Văn Minh (người ngồi bên phải) chuẩn bị đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh do phóng viên ảnh hãng thông tấn AP thực hiện.

Sau khi được Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ giao nhiệm vụ toàn quyền quản lý chiếc xe chiến lợi phẩm, ông Vân trực tiếp lái xe chở chỉ huy cùng các chiến sĩ tham mưu trên đường vào Nam chiến đấu.

7h sáng 30/4/1975, đơn vị ông Vân được lệnh tiến vào xa lộ Biên Hòa, vượt cầu Sài Gòn, mặc cho các loại súng tăng, súng máy của quân địch nổ rền. Ông bảo, "sung sướng nhất là chiếc Jeep này có mái xe, vách thoáng, nên nghe được đủ thứ âm thanh của trận đánh cuối cùng. Tiếng thét của lính, tiếng reo hò của quân dân, mệnh lệnh của chỉ huy các binh chủng... chúng tôi đều nghe rõ mồn một. Tôi nhấn mạnh ga, hòa theo đoàn xe giải phóng ào ào qua cầu Sài Gòn".

Lúc này, người dân đã đứng chật kín hai bên đường. Chiếc xe Jeep chạy đến một ngã tư, đang chưa biết đi theo lối nào thì được người đàn ông trạc 40 tuổi tay cầm lá cờ giải phóng nhảy lên bám vào xe rồi chỉ hướng đi. Chốc chốc ông Vân lại hét lên hỏi người cầm cờ "Sắp đến nơi chưa?" Anh này mỉm cười "Qua Gia Long rồi, sắp tới". Không ai bảo ai nhưng có lẽ người dẫn đường cũng biết chiếc xe Jeep đang muốn tiến vào Dinh Độc Lập.

Cựu binh Mỹ tìm sự thật trong ảnh thảm sát Mỹ Lai

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn làm gì ngày 30/4?

Châu Loan, tiếng thơ nối bờ giới tuyến

"Khi đến cổng Dinh, xe tăng của quân ta đã lao thẳng hất tung cánh cổng chính, xe chúng tôi theo sát xe tăng do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy tiến thẳng vào trong sân. Chúng tôi lao nhanh ra khỏi xe rồi chạy lên tầng 2 tòa nhà. Khá đông lãnh đạo Ngụy quyền bị dồn vào phòng trong tòa nhà... Ít phút sau, tôi được lệnh ra xe tiếp tục làm nhiệm vụ", người lái xe Jeep kể.

Khoảng 10h30, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ tay cầm súng ngắn cùng các chiến sĩ dẫn hai quan chức Ngụy quyền người béo mập, đeo kính trắng, đi giầy đen ra xe. Phía sau là rất đông cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng. "Ngồi vào xe, sát tay lái tôi là vị to béo, tôi đoán đó là vị quan chức vì ông ta rất bệ vệ, bên phải ông ta là ông Thệ. Một thanh niên mặc áo trắng dẫn đường cho xe tiến thẳng về Đài phát thanh Sài Gòn", ông Vân kể và cho hay, mãi sau này mới biết mình chở Dương Văn Minh đi đọc lời tuyên bố đầu hàng.

11h30 ngày 30/4, những chiếc loa phóng thanh ở Sài Gòn đồng loạt vang lên lời tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng miền Nam do Tổng thống Dương Văn Minh đọc: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".

Tiếp đó, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng tuyên bố: "Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn giải phóng"! Mọi người mừng vui ôm chầm lấy nhau, nước mắt chảy dài rồi thét lớn: "Giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi".

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG