Gặp những người Việt thành đạt tại quận Cam

Gặp những người Việt thành đạt tại quận Cam
TP - “Khu vực Litle Saigon (Tiểu Sài Gòn) trong quận này (Quận Cam) cũng đáng được chú ý, vì đây là nơi cư ngụ của người Việt đông đảo nhất ngoài lãnh thổ Việt Nam…

…Trong chuyến du hành trên đất Mỹ, qua tới 14-15 thành phố trải từ Tây sang Đông, tôi nhớ nhất chuyến viếng thăm quận Cam, bang California.

Nhớ vì địa danh này đã quá nổi tiếng, với những cái tên như Little Saigon với Khu mua sắm Phước - Lộc - Thọ… Và cũng hơi e dè, vì thái độ “chống Cộng” cũng khá “vang danh” của những tờ báo Người Việt, Little Saigon mà tôi nhìn thấy trụ sở của nó (quá nhỏ?) thấp thoáng qua cửa xe.

Đúng là mua sắm ở những khu vực này thì khỏi cần biết tiếng Anh, có thể nghe lời mời ngọt ngào giọng Huế, giọng Sài Gòn, giọng Hà Nội… của những cô gái bán hàng ăn mặc khá nền nã, ý tứ; lại có thể đọc những cái tên món ăn ngộ nghĩnh bằng tiếng Việt chính hiệu: phở tô nhỏ, tô trung, phở “xe lửa”… Nhìn và nghe trong quán phở hoặc Khu mua sắm này, tưởng như mình đang ở Việt Nam.

Gặp những người Việt thành đạt tại quận Cam ảnh 1

Tác giả và vợ ở Quận Cam.Khung cảnh thiên nhiên, nhà Quốc hội tại Quận Cam. Nguồn ảnh: orange.nc.us

Ở Cali, chúng tôi làm khách của gia đình bà Khiêm, cô ruột của Kĩ sư Phạm Dũng, người cùng chuyến đi với chúng tôi. Đó là một phụ nữ còn khá trẻ so với cái tuổi 75 mà bà tự giới thiệu. Ông chồng, tôi chỉ biết họ Lâm, là một sĩ quan cấp tá của chính quyền Sài Gòn cũ, có một thời gian khá dài đi cải tạo, được tha khoảng hơn một năm thì mất tại Việt Nam, hiện hài cốt đã được vợ và cô con gái mang sang đây an táng trên mảnh đất “phải mua tới 5.000 đô lận”.

Bà Khiêm hiện có tiền trợ cấp của cơ quan bảo hiểm xã hội Mỹ (khoảng 900 đô một tháng), nhưng có lẽ chủ yếu sống bằng sự cung phụng của các con trai bà, những người khá thành đạt, nhất là trong nghề y. Nhưng bà không sống với người con trai nào mà sống với hai con gái, hai con rể và 5 đứa cháu, 4 gái 1 trai. Căn nhà hai tầng, không hiểu thuộc quyền sở hữu của người nào, nhưng cũng khá đẹp mắt, có bãi cỏ, bể bơi, nhà để xe và những phòng ngủ, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung… khá rộng.

Bà Khiêm mời chúng tôi tới thăm anh Tấn, con trai út, cũng là một bác sĩ, sống gần bà. Anh Tấn và vợ cùng hai con đều có nhà, thái độ niềm nở. Nhà anh chị cũng rộng rãi, hao hao nhà bà Khiêm với bể bơi, sân chơi, nhưng có vẻ mới hơn và đậm màu sắc “trẻ con” vì con gái đầu của Tấn chỉ mới cỡ tuổi học mẫu giáo, còn cậu con trai, rất ngoan, thì còn đương ẵm ngửa. Vợ Tấn, khá trẻ, nói giọng Sài Gòn, hiện ở nhà trông hai con. Tất cả chi tiêu trong gia đình chắc đều dựa vào thu nhập của bác sĩ Tấn?

Mười giờ đêm, sau bữa cơm chu đáo cùng bà Khiêm và gia đình hai anh con rể, tôi đã toan đi nằm thì lại có “khách”. Đó là Tới, con trai bà Khiêm, vừa mới tan ca trực tại bệnh viện, mặc luôn quần áo “nghề nghiệp” phóng ô tô đến thăm chúng tôi. Tới, sinh năm 1964, hơi nhỏ con nhưng rắn chắc, mắt rất sắc. Anh nói chuyện chân tình, cởi mở, hẹn hôm sau sẽ đưa chúng tôi tới thăm khu Little Saigon và bãi biển Laguna Beach, California.

Trưa hôm sau, trở về từ bãi biển Laguna chúng tôi mới đến thăm nhà anh. Đó là một căn nhà đẹp, khá rộng rãi (toàn bộ diện tích khoảng 1.000 m2), cũng có bể bơi, sân chơi tennis, bố trí hài hòa, hợp lý. Vợ Tới tên Magrita, người Mỹ gốc Hy-lạp, đã cùng hai con trai đi học qua tiếng Việt, gọi Tới thường dùng từ “bố, bố” ngộ nghĩnh, rồi nói một tràng tiếng Anh! Có vẻ với Magrita, nghe tiếng Việt khá hơn là nói, tuy cô cũng đã về Việt Nam 1, 2 lần gì đó? Trong khi đi thăm nhà Tới, tôi được hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình bà Khiêm.

Giọng bà đều đều, ít cảm xúc , nhưng tôi cảm thấy bà còn lướng vướng nhiều suy nghĩ kiểu cũ. Ở tuổi bà mà đòi hỏi một sự thay đổi triệt để là rất khó? Tới thì hoàn toàn không, không oán thán, không bình luận. Có vẻ anh chấp nhận sự sắp đặt của số phận?

Nhà Tới, theo bình luận của vợ tôi, là nhà đẹp nhất trong bốn nhà chúng tôi có dịp viếng thăm. Cũng chỉ có một mình Tới đi làm, còn Magrita ở nhà đưa đón con và làm việc nội trợ, vì, như Tới vừa cười vừa nói “Đi làm cũng chẳng thêm được bao nhiêu, đóng thuế thu nhập hết thôi mà!” Chiều hôm ấy, được Tới và Magrita đến đón đi để dự bữa tối thân mật mừng ngày lễ Mother’s Day (Ngày của Mẹ) tôi mới được gặp hai đứa con lai của Tới.

Chúng có những cái tên rất Việt Nam: Ái Thi và Thiên Thi, biết chắp tay cúi đầu chào ông, chào bà nhưng vẻ mặt thì đặc Tây, khá giống mẹ. Chúng nổi bật lên giữa đám cháu chắt cùng dự bữa tối, phần nhiều là con gái, dù dùng chung một ngôn ngữ, tiếng Anh, lau láu... Tại bữa tiệc này, tôi được gặp Toàn, người anh trai sinh trước Tới chỉ một năm, cùng vợ anh và hai con gái.

Toàn trông cao ráo và khá trí thức, với cặp kính trắng “bất li thân”. Anh cũng là bác sĩ, đang có dự định về nước khoảng cuối năm nay theo một chương trình chữa chạy bệnh hiếm muộn gì đó của một tổ chức y tế Mỹ hoặc thế giới? Gây ấn tượng nhất với tôi trong buổi gặp gỡ đông đảo này là Sáng, chồng Phương, con rể đầu của bà Khiêm.

Sáng, sinh năm 1957, tại Sài Gòn, nhưng có gốc gác là người phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến, Hà Nội), cao to, râu bạc, tóc bạc, chuyện trò rất hóm và có lẽ là người duy nhất tiếp rượu kỹ sư Phạm Dũng trong bữa tiệc khá to này? Trỏ tay vào các chú em vợ (Trường - anh trai cả, rồi Toàn, Tới; hai anh con trai khác là Trung và Tấn kẹt công việc, không đến dự tiệc được), Sáng khôi hài: “Tôi và cô Phương đi hồi ấy là tự bỏ tiền túi ra đi, chỉ có 200 đô một người, đâu có nạp cả vạn đô như mấy người sau này!” Chuyến đi gian nan những năm 80 còn hằn trong kí ức Sáng.

Anh nhớ khi xuồng hỏng máy, hết nước uống, lại nhớ khi cập một hòn đảo không người trên đất Malaysia, phải trèo lên cây dừa vừa hái trái, vừa tìm phương hướng… Sáng bị giữ trong trại tị nạn ở Malaysia 13 tháng rồi mới được bảo lãnh sang Mỹ. Bây giờ anh là một kĩ sư của hãng máy bay Boeing, lại là một họa sĩ nghiệp dư có rất nhiều tranh bày trong nhà và tặng khắp các chú em khi họ “tân gia”. Buổi gặp mặt nhân “Ngày của Mẹ” đông đúc và cởi mở, không một chút kì thị. Thức ăn thật ngon và sang trọng. Tôi hiểu mình đang ở giữa một gia đình, một cộng đồng Việt khá thành công trong việc hội nhập vào xã hội Mỹ…

Orange County 2012- Hà Nội 2013

Chuyến đi gian nan những năm 80 còn hằn trong kí ức Sáng. Anh nhớ khi xuồng hỏng máy, hết nước uống, lại nhớ khi cập một hòn đảo không người trên đất Malaysia.

MỚI - NÓNG