Nhỏ tuổi nhất
Vùng đất bản Pọong lúc bấy giờ là khu rừng hoang vắng. Ngày đó một số hộ dân ở tỉnh Hòa Bình di cư sang ở khu vực bản Ca Tớp, bản Cơm (trước kia thuộc xã Tam Chung, nay thuộc xã Pù Nhi, huyện Mường Lát), nhưng không báo cáo với thổ ty, lang đạo vùng này.
Một lần, dân bản Ca Tớp, bản Cơm phát hiện dưới suối thấy xoong, chậu, nên nghi ngờ rồi phát hiện nơi này có người lạ đang sinh sống. Số hộ dân trên liền di dời ra khỏi vùng bản Ca Tớp, bản Cơm, đến một cánh rừng ở gần đó để ở. Bản mới này được mọi người gọi là Pọong (có nghĩa là: có lẽ). Bản Pọong lúc ban đầu chỉ có khoảng hơn 10 hộ dân là đồng bào người Thái.
Năm 1951- 1952, khi bộ đội Tây Tiến (thuộc Trung đoàn Tây Tiến) nằm vùng ở bản Pọong và nhiều vùng khác trên địa bàn huyện Mường Lát, Lương Chí Ành mới 13 tuổi.
“Ngày đó, bộ đội Tây Tiến không ở cùng với dân bản, mà ở riêng tại các lán dựng trong rừng, cách nơi dân bản ở tập trung. Việc ở như vậy để tránh sự theo dõi, phát hiện của giặc Pháp và đám tay sai. Mặc dù không ở cùng nhà với dân bản, nhưng bộ đội quan hệ chặt chẽ với dân. Lúc ban đầu xa lạ, thế rồi, lũ trẻ con trong bản thấy gần gũi, coi bộ đội như cha, chú, người thân. Nhiều hôm, vài đứa trẻ ngồi háo hức nghe bộ đội hát, rồi bộ đội lại dạy hát, dạy chữ” - ông Ành nhớ lại.
Sông Mã trên địa bàn huyện Mường Lát - nơi ghi nhiều ký ức của quân Tây Tiến. Ảnh: Hoàng Lam. |
Rót chén chè tán ma (loại chè cổ truyền của người Thái được làm từ lá chè xanh) mời khách, ông Ành kể: “Thấy tôi nhanh nhẹn, khỏe mạnh, bộ đội dạy và giao cho tôi làm nhiệm vụ liên lạc, đưa tin thư. Năm 1953, tôi được kết nạp vào đội du kích Tây Tiến, gồm 22 người Thanh Hóa. Do còn nhỏ tuổi và là du kích nhỏ tuổi nhất đội nên tôi vẫn tiếp tục được đào tạo. Hằng ngày, tôi làm nhiệm vụ liên lạc, đưa thư cho bộ đội Tây Tiến từ khắp vùng Mường Lát, rồi sang cả vùng Xốp Hào, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Còn các du kích khác của huyện Mường Lát như bác Lương Văn Pém, Hà Văn Liễn... thì được bộ đội Tây Tiến dạy cách cài mìn, ném mìn, đưa đường cho bộ đội”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Theo lời kể của ông Ành, lúc bấy giờ những dãy núi, suối Poom Khuông, suối Cân, suối Pha... cách nơi ông Ành ở bán kính 15km cũng là địa bàn mà ông Ành thường xuyên qua lại để làm nhiệm vụ tin thư.
Ông được bộ đội Tây Tiến căn dặn: Nếu gặp quân giặc, người lạ hỏi đi đâu thì trả lời là đi thăm người thân ở bản nọ, bản kia. Các tin thư của bộ đội Tây Tiến giao cho ông Ành chuyển đi đều được giấu trong các cạp áo, rồi khâu lại cẩn thận.
Khi đến nơi, ông Ành tháo chỉ cạp áo, lấy thư ra, rồi khâu lại. Cứ như vậy, chiếc áo đã giúp ông Ành chuyển hàng trăm tin thư thành công, tránh được sự phát hiện của giặc Pháp và bọn tay sai.
Dù phải băng qua rừng núi hoang vu, rậm rạp, nhưng cứ vài ba ngày, ông Ành lại được giao nhiệm vụ hỏi thông tin, đưa thông tin và các liên lạc qua lại giữa những nơi đóng quân của bộ đội Tây Tiến trong các vùng với nhau.
Mang theo bên mình con dao quắm đi rừng, ông Ành cần mẫn khi nhẩn nha, khi vội vàng, khi cũng có phần lo sợ, nhưng trong suốt thời kỳ làm nhiệm vụ tin thư của mình, ông đều hoàn thành một cách xuất sắc.
“Mỗi chuyến đi của tôi lúc bấy giờ có khi từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya mới về. Nhiều hôm đi băng rừng, lội suối, gặp lúc trời mưa, dù ướt hết người nhưng tôi vẫn cố gắng lấy cây rừng che chiếc áo có bỏ thư của bộ đội, để thư không bị ướt. Hồi ấy còn trẻ, nên tôi đi khỏe lắm” - ông Ành kể.
Đến năm 1953, khi bộ đội Tây Tiến và giặc Pháp rút khỏi địa bàn, tại địa phương thành lập đơn vị hành chính lâm thời. Đội du kích Tây Tiến tiếp tục được duy trì làm nhiệm vụ tại địa phương.
Cũng trong thời gian này, cậu thanh niên Lương Chí Ành làm giáo viên giảng dạy cho lớp học bình dân học vụ trong bản. Kiến thức, các chữ quốc ngữ mà chàng trai Ành biết được trong thời gian làm du kích cho bộ đội Tây Tiến, nay lại được dạy lại cho người dân ở xã Tam Chung.
Đến với cách mạng khi còn rất nhỏ tuổi, ông Lương Chí Ành (dân tộc Thái) là một trong những hạt nhân nòng cốt người dân tộc thiểu số đưa ánh sáng cách mạng, đường lối, chủ trương của Đảng đến với đồng bào vùng cao Mường Lát cách đây 60 năm.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm du kích cho Trung đoàn Tây Tiến, được Đảng và Nhà nước đào tạo, ông Ành tiếp tục làm cán bộ xã Tam Chung, rồi một số cơ quan ở huyện Quan Hóa (cũ) cho đến khi về hưu.