Gặp người đánh đàn cho… máy học

0:00 / 0:00
0:00
“Kỹ sư âm nhạc” Nguyễn Hoàng Bảo Đại
“Kỹ sư âm nhạc” Nguyễn Hoàng Bảo Đại
TP - Giữa tháng 4 vừa qua, Nguyễn Hoàng Bảo Đại (27 tuổi, TP. HCM) được Google công nhận là một trong những cá nhân có sáng tạo nổi bật về công nghệ của năm, với việc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào sáng tác nhạc có thể cho ra đời 10 nhạc phẩm chỉ trong 1 giây.

Tự viết 8-10 bài trong 1 giây

Bảo Đại học piano từ năm 12 tuổi và bắt đầu sáng tác từ khi còn học phổ thông. Đam mê âm nhạc nhưng không được gia đình ủng hộ thi Nhạc viện, Bảo Đại quyết định “chọn bừa” ngành công nghệ thông tin của trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Hồi đó, trong suy nghĩ của chàng trai sinh năm 1994, học công nghệ thông tin “chắc là học về word, excel, Photoshop rồi những thứ trên máy tính” chứ không hề có khái niệm nào về AI. Vừa học công nghệ, Đại vừa đăng ký thêm khoá học chuyên sâu âm nhạc để thoả đam mê.

Sau 2 năm học đại cương, nhiều lúc Đại hoang mang hay là mình chọn sai đường. Cho đến năm 3, anh được chọn chuyên ngành, lúc này 9X bắt đầu biết đến khái niệm Trí tuệ nhân tạo và cảm thấy cực kỳ thích thú lĩnh vực này. Ra trường, Đại chọn đi làm trong lĩnh vực công nghệ nhưng vẫn tiếp tục sáng tác nhạc. Trong cộng đồng công nghệ AI, Nguyễn Hoàng Bảo Đại được biết đến với vai trò “kỹ sư âm nhạc” với khả năng sáng tác âm nhạc bằng AI.

“Tôi từng sáng tác theo cách truyền thống, và đôi khi cảm thấy không ưng ý nên phải bỏ đi và viết nhạc lại từ đầu. Sau đó, tôi quyết định áp dụng chuyên ngành AI đã được học để sáng tạo ra công cụ hỗ trợ người sáng tác”, Bảo Đại chia sẻ. Việc xây dựng một mô hình AI không đơn giản với thách thức từ kinh phí, nhân lực, dữ liệu đầu vào và phải có một hệ thống máy tính lớn để làm các thuật toán.

Để máy đọc được các giai điệu, dữ liệu đầu vào phải là file ở định dạng Midi. Mà định dạng này lại rất hiếm trên Internet. Điều này buộc Bảo Đại phải tự đàn giai điệu để máy “học”. “Trong hai năm vừa qua, tôi đã đàn gần 18.000 bài hát. Có những ngày cao điểm tôi đàn đến 300 bài hát để nhập dữ liệu”, Đại cho biết. Đến nay, kho dữ liệu của anh đã có khoảng 30.000 bài hát, trong đó 60% là do anh tự đàn.

Bảo Đại phấn khởi khoe, AI do anh sáng tạo có thể viết được từ 8-10 bài/giây tùy theo thông số lựa chọn, “Ví dụ như nếu tôi mớm một đoạn giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu, tôi sẽ có 10 ca khúc ballad trữ tình. Nếu tôi đưa vào một đoạn nhạc có tiết tấu nhanh hơn một chút, thì chắc chắn tôi sẽ nhận được 10 ca khúc có giai điệu năng động. Thậm chí, khi bí ý tưởng quá, tôi có thể yêu cầu mô hình AI này tự tạo ra ca khúc luôn mà không cần mớm giai điệu nữa”.

Máy móc sẽ “cướp việc” của nhạc sĩ?

Chuyện AI sáng tác nhạc là điều tất yếu của thời kỳ công nghệ 4.0, tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này vẫn còn khá mới mẻ. Việc chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng Bảo Đại công bố mô hình AI sáng tác nhạc đã thực sự trở thành một “quả bom” nhỏ trong làng nhạc Việt.

Từng có thời gian tìm hiểu về AI, nhạc sĩ Cao Bá Hưng cho rằng việc AI viết nhạc hay hơn con người là khả thi. “Mặt khác, khi AI nhảy vào mảng nghệ thuật, các nhạc sĩ cần phải giỏi hơn nữa để cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả ngành công nghiệp âm nhạc nói chung và kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp thu âm, hậu kỳ âm thanh ở Việt Nam”, nhạc sĩ trẻ nhận định.

Giới chuyên môn cũng thừa nhận trong tương lai, chắc chắn AI sẽ tham gia, thậm chí tham gia sâu vào đời sống âm nhạc. Điều đó sẽ tạo thêm sự phong phú, cho người nghe thêm những lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ cho rằng AI sẽ không thể thay thế được sự sáng tạo âm nhạc của con người.

“Bất kể sự sáng tạo nào phục vụ con người đều có giá trị riêng. Đối với phần mềm tự viết nhạc cũng như thế. Tuy nhiên, máy móc vẫn là máy móc. Con người khác với máy móc là có cảm xúc, tâm hồn và lòng trắc ẩn”, nhạc sĩ Hoàng Bách nêu quan điểm.

Bản thân Bảo Đại cũng khẳng định công nghệ AI của mình chỉ mới đạt hiệu suất 70-80% so với kỳ vọng của anh và không thể thay thế hoàn toàn con người. “Ưu điểm của phần mềm là tốc độ viết giai điệu rất nhanh, từ đó nhạc sĩ chỉ cần nghe và chọn hoặc chỉnh sửa một chút để chốt phần giai điệu cho ca khúc, tiết kiệm được nhiều thời gian để có thể tập trung vào những công đoạn khác như viết lời, hòa âm phối khí, thu âm...”, Đại chia sẻ.

Nghĩa là mô hình AI này chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ nhạc sĩ trong quá trình sáng tác, giúp cho quá trình hoàn thành cả dự án được diễn ra nhanh hơn chứ chưa thực sự “siêu phàm” để có thể làm mọi thứ chỉ với một cú click chuột.

Trong tương lai, chàng kỹ sư trẻ sẽ tiếp tục cho AI học thêm dữ liệu về các loại nhạc khác, hoặc đưa cho AI đầu vào là ca từ, AI sẽ cung cấp đầu ra là giai điệu dựa trên đoạn lời, hoặc ngược lại. “Hiện tại, tôi vẫn duy trì viết nhạc và đang chuẩn bị cho vài dự án cá nhân. Có thể sắp tới tôi sẽ liên hệ với một số nghệ sĩ để đề nghị hợp tác, nhằm giới thiệu tới khán giả các bản nhạc do AI viết ra”, Nguyễn Hoàng Bảo Đại hồ hởi tiết lộ. Với anh, máy móc không phải là thứ công cụ thay thế và hạn chế óc tưởng tượng của con người, mà trái lại, nó là cánh tay nối dài giúp con người vươn tới những giới hạn mà trước đây chúng ta chưa từng vượt qua.

MỚI - NÓNG