Gặp họa vì muốn đẹp như 'sao' Hàn

Gặp họa vì muốn đẹp như 'sao' Hàn
Nhiều phụ nữ Việt thích có mũi cao thanh thoát, đẹp tự nhiên như mũi diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc trên phim ảnh. Bắt được tâm lý này, một số cơ sở thẩm mỹ quảng cáo rầm rộ dịch vụ “nâng mũi Hàn Quốc”!

Gặp họa vì muốn đẹp như 'sao' Hàn

> Giới trẻ 'sốt' làm má lúm đồng tiền đón Tết
> Nâng cấp nhan sắc, con dao ba lưỡi
> Làm đẹp 'bằng mọi giá'

Nhiều phụ nữ Việt thích có mũi cao thanh thoát, đẹp tự nhiên như mũi diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc trên phim ảnh. Bắt được tâm lý này, một số cơ sở thẩm mỹ quảng cáo rầm rộ dịch vụ “nâng mũi Hàn Quốc”!

Gặp họa vì muốn đẹp như 'sao' Hàn ảnh 1
Tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: L.TH.H.

Trong khi đó, nhiều bác sĩ thẩm mỹ khẳng định thật ra đây là chiêu lôi kéo khách hàng, vì về chuyên môn không có kỹ thuật hay phương pháp nào là “nâng mũi Hàn Quốc” cả.

Thị hiếu sùng bái Hàn Quốc

"Thực tế tên gọi đúng của “nâng mũi Hàn Quốc” là nâng mũi chức năng. Thời gian thực hiện một ca phẫu thuật nâng mũi chức năng khoảng 2 giờ rưỡi. Còn nâng mũi thường là đặt sụn sống mũi nhân tạo vào dưới da chỉ mất khoảng 30 phút"

Vào Google gõ cụm từ “nâng mũi Hàn Quốc” là ra con số “khủng”: 10,5 triệu kết quả! Ngay “mặt tiền” trang tìm kiếm, dễ thấy những lời quảng cáo, giới thiệu dịch vụ nâng mũi Hàn Quốc hơn cả tuyệt vời. Đơn cử như “Nâng mũi Hàn Quốc S-line - đẹp hoàn hảo như diễn viên Hàn”, “Nâng mũi Hàn Quốc - ưu đãi lớn, đẹp tự nhiên, quý phái”...

Cũng như quảng cáo, giá nâng mũi “đẹp như sao Hàn” không rẻ chút nào. Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho biết giá “nâng mũi Hàn Quốc” cơ sở thẩm mỹ là 32 triệu đồng, còn giá nâng mũi thường (chỉ đặt sống mũi vào dưới da) là 12 triệu đồng. Bác sĩ này cho biết sở dĩ phải phân biệt mũi thường với “mũi Hàn Quốc” vì khách hàng đến làm đẹp cứ hỏi “nâng mũi Hàn Quốc” thế nào, giá bao nhiêu.

Theo bác sĩ này, “nâng mũi Hàn Quốc” không có ý nghĩa gì về mặt chuyên môn, kỹ thuật mà chỉ là một cụm từ đánh vào thị hiếu, nhu cầu, sở thích của khách hàng sùng bái, chạy theo “làn sóng Hàn Quốc”. Thực tế tên gọi đúng của “nâng mũi Hàn Quốc” là nâng mũi chức năng. Thời gian thực hiện một ca phẫu thuật nâng mũi chức năng khoảng 2 giờ rưỡi, còn nâng mũi thường là đặt sụn sống mũi nhân tạo vào dưới da chỉ mất khoảng 30 phút. Nếu để tên “nâng mũi chức năng” thì không hấp dẫn khách hàng và khó thu được hơn 30 triệu đồng do cụm từ này mang tính chuyên môn quá. Thế nhưng chỉ cần quảng cáo “nâng mũi Hàn Quốc” thì khách hàng lại vui vẻ bỏ tiền ra làm. Thực tế nâng mũi chức năng là chỉnh hình mũi sao cho không bị lộ sống mũi, vẹo chân mũi, bóng đỏ da đầu mũi, biến dạng cánh mũi.

Chọn vật liệu nào?

Tai biến thường gặp

Phẫu thuật nâng mũi cũng như các phẫu thuật khác, dù lớn hay nhỏ đều có thể bị tai biến, biến chứng (tùy thuộc cơ sở vật chất, tay nghề của bác sĩ...). Các tai biến, biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng (nếu vô trùng không tốt); sốc thuốc tê (bác sĩ chưa làm gì hết, mới chích thuốc tê vào đã bị sốc, nhẹ cấp cứu được, nặng thì tử vong); nhẹ hơn và có thể sửa chữa được là lệch, vẹo, không đạt yêu cầu (khách muốn cao nhưng bác sĩ làm thấp và ngược lại) do bác sĩ không tư vấn kỹ trước khi làm.

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết khách hàng đến nâng mũi bao giờ cũng muốn có mũi đẹp hơn, thậm chí có người còn đặt hàng bác sĩ làm mũi giống hệt một diễn viên nào đó, nhưng thực tế bác sĩ chỉ có thể làm đẹp hơn mũi hiện tại của khách trên cơ sở hài hòa, hợp lý. Ngoài kỹ thuật nâng mũi, vật liệu nâng mũi cũng là vấn đề cần quan tâm. Theo TS Anh Tuấn, hiện có hai nhóm vật liệu chính là vật liệu tự thân và vật liệu nhân tạo. Vật liệu tự thân được lấy từ chính cơ thể khách hàng, thường là sụn vách ngăn từ mũi, sụn vành tai, sụn sườn, xương mào chậu, cân cơ thái dương... Hai là vật liệu nhân tạo như silicone, gore-tex... Bản thân vật liệu dùng nâng mũi không làm nên cái mũi đẹp hay xấu mà xấu hay đẹp là do bác sĩ.

Nâng mũi bằng loại vật liệu nào có ưu điểm hơn? Theo TS Anh Tuấn, mỗi loại vật liệu đều có ưu, nhược điểm khác nhau. Ưu điểm của vật liệu tự thân là không bị thải loại. Còn vật liệu nhân tạo có thể bị thải loại nếu cơ thể khách hàng không thích nghi. Nhưng nâng mũi bằng vật liệu tự thân lại có nhược điểm là khách hàng phải chịu thêm một vết thương ở vị trí khác. Thời gian mổ nâng mũi lâu hơn vì bác sĩ phải mất thời gian để lấy vật liệu tự thân (như lấy sụn sườn hay xương mào chậu...) ra rồi còn phải chế tác, gọt đi để tạo hình sống mũi. Trong khi vật liệu nhân tạo nhà sản xuất đã làm sẵn và có nhiều loại, nhiều kích cỡ khác nhau, bác sĩ chỉ cần gọt đi, sửa lại cho phù hợp với mỗi người. Chưa kể khi đặt vật liệu tự thân thì vật liệu đó từ từ sẽ dính vào cơ thể do được thẩm thấu và nuôi sống nhờ các mạch máu nuôi từ từ bò vào, khi muốn lấy ra sẽ khó hơn.

Sử dụng vật liệu tự thân còn có nhược điểm về lâu dài là không phải mạch máu nào bò vào cũng sống được nên miếng vật liệu tự thân lúc đặt vào là 10 phần thì theo thời gian sẽ bị teo tóp chỉ còn 7-8 phần. Ngoài ra, nếu lấy vật liệu tự thân là sụn vành tai hay sụn sườn để nâng mũi thì về sau lại có biểu hiệu co lại theo hình dáng cong cũ của bộ phận đó, hoặc bị tiêu chỗ này chỗ kia một chút nên về lâu dài mũi sẽ không được thẳng đẹp như lúc mới làm. Do vậy nâng mũi bằng vật liệu tự thân chỉ thích hợp với trường hợp nâng ở vị trí nhỏ như đầu mũi, cánh mũi và sống mũi (ngắn), còn nếu làm nguyên sống mũi lớn, dài có thể gặp những trục trặc kể trên.

Theo TS Anh Tuấn, nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo vẫn là tốt nhất hiện nay và thuận lợi vì vừa dễ chế tạo, mổ nhanh, khi muốn sửa lại cũng dễ. Tuy nhiên, nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo có nhược điểm do là vật lạ (nhưng trung tính) nên có thể gây ra thải loại (tỉ lệ rất thấp, có biểu hiện bị đỏ, ngứa, sưng nề, đau) khi đặt vào. Trường hợp xảy ra có thể tháo bỏ hoặc thay bằng một loại vật liệu khác nếu khách vẫn muốn nâng mũi.

Cần lưu ý nhiều người thường cho rằng khi đặt mũi bằng vật liệu nhân tạo (sống silicone) thì sẽ bị bóng da, đỏ da đầu mũi nhưng đó là do kỹ thuật nâng mũi chứ không phải vật liệu. Nguyên nhân bóng, đỏ da đầu mũi là do bác sĩ/khách hàng muốn nâng mũi lên quá cao, muốn làm đầu mũi dài ra hoặc vì bác sĩ bóc tách mỏng quá nên da căng quá mức.

Theo Lê Thanh Hà
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG