Xuất thân là học sinh trường Chuyên tỉnh Sơn La, thế nhưng từ khi xuống Hà Nội học đại học, Đạt đã nhanh chóng hòa nhập được với môi trường mới khi tích cực tham gia vào các hoạt động của trường, lớp ngay từ những ngày đầu năm nhất. Có thể nói, Tiến Đạt là chàng trai vô cùng đa di năng khi trong suốt ba năm học vừa qua, Đạt giữ vai trò Ban tổ chức của vô số chương trình, cuộc thi của trường.
Từ các cuộc thi thiên về học thuật như cuộc thi Hùng biện Socrates, Olympic Tiếng Anh, Olympic Luật Thương mại quốc tế, chương trình Mô phỏng Liên hợp quốc LUMUN, Hội thảo đào tạo liên trường,… cho đến các cuộc thi ca hát, văn nghệ, thể thao như: HLU’s got talent, HLU Sport, Cuộc vận động sáng tác văn thơ chào mừng ngày thành lập trường, hay Duyên dáng nữ sinh trường Luật,…
Đạt kể, bản thân là một người rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa, nên ngoài giờ học trên lớp, Đạt thường tranh thủ làm những công việc của Đoàn, Hội. Tham gia nhiều là thế, nhưng thu hút Đạt nhất có lẽ lại là ở các chương trình sinh viên tình nguyện của Đoàn trường. Các chương trình như: Tiếp sức mùa thi, Đông sẻ chia, Tết vùng cao hay Mùa hè xanh,… không một hoạt động nào mà Đạt bỏ lỡ.
Nắm giữ vị trí quan trọng trong hầu hết các sự kiện, chương trình của nhà trường, Tiến Đạt chia sẻ rằng để xây dựng được thành công các chương trình ấy là cả một quá trình cố gắng của ban điều hành. Từ việc lên kế hoạch, nội dung, ý tưởng và khó khăn nhất là vấn đề tài chính, đi xin tài trợ, riêng những chương trình lớn, phải chuẩn bị trước hàng tháng trời. Để có thể đảm đương vị trí trong Ban tổ chức hết cuộc thi này đến sự kiện khác, nhận được sự tín nhiệm của mọi người, với Đạt, quan trọng nhất là phải biết giữ chữ tín, làm việc có trách nhiệm cho đến cùng. “Trong vai trò là người điều khiển chương trình, sự kiện, mình không thể vì thế mà lạm quyền, bản thân không được đặt vị trí của mình cao hơn mọi người mà luôn phải biết cân bằng, điều chỉnh mọi thứ đi theo đúng hướng của nó”, Đạt nói.
Không chỉ có tài lãnh đạo sự kiện, Đạt còn có thành tích học tập vô cùng đáng nể. Ngoài nhận học bổng của trường Luật mỗi kỳ, Đạt còn đỗ Á khoa trong kỳ thi tuyển chọn thực tập sinh của Công ty Luật quốc tế BMVN tổ chức. Được biết, đây là công ty luật có danh tiếng và đứng top đầu trên thế giới. Để có cơ hội làm việc trong môi trường tốt như vậy, Đạt đã không ngừng cố gắng, tự đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu cho bản thân. Vì đây là công ty nước ngoài nên Đạt phải đầu tư cho vốn tiếng anh của mình rất nhiều dù xuất phát điểm bản thân chỉ là cậu học sinh của một tỉnh miền núi. Luôn hoàn thành tốt cả trong học tập lẫn công việc, đòi hỏi Đạt phải biết cân bằng giữa việc học và làm. Đạt cho biết mình luôn tự xây dựng kế hoạch cho bản thân, sắp xếp một thời gian biểu hợp lý, không bao giờ để xảy ra tình trạng chậm deadline.
Từ những trải nghiệm như vậy đã giúp cho Đạt có cơ hội học hỏi thêm được rất nhiều điều, nhất là về kinh nghiệm sống, các mối quan hệ,… Đạt quan niệm rằng: “Người giỏi nhất sẽ phải là người vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng”. Chính vì thế, Đạt luôn nỗ lực phấn đấu để bản thân có thể trưởng thành hơn, giúp vươn tới gần hơn ước mơ trở thành một Luật sư giỏi sau này.
Đạt trong chiến dịch tình nguyện tại xã Song Khủa, Vân Hồ, Sơn La.
Sứ giả tuyên truyền pháp luật
Trong những chương trình tình nguyện đã tham gia, để lại ấn tượng nhất với Đạt là Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” về xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đạt cho biết, xã Song Khủa hiện còn nghèo, trình độ nhận thức và hiểu biết của người dân nơi đây còn rất thấp. Đặc biệt là vấn đề Luật pháp, họ gần như không được trang bị. Tình hình ở đây cũng khá phức tạp, nổi cộm lên là vấn đề về hôn nhân gia đình, khi người vợ không đẻ được con trai thì người chồng ngang nhiên đánh đập và sẵn sàng ly dị. Không chỉ vậy, Song Khủa là xã nằm tiếp giáp biên giới với Lào nên việc buôn bán ma túy trái phép, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới vẫn còn diễn ra rất nhiều.
Trước tình trạng như vậy, nhóm sinh viên tình nguyện của Đạt đã lên kế hoạch cần phải củng cố lại những kiến thức pháp luật căn bản cho người dân nơi đây, giúp người dân tự ý thức được và tránh khỏi những vi phạm pháp luật không đáng có chỉ vì thiếu hiểu biết. Như vậy, ngoài những giờ lao động giúp đỡ bà con xây nhà, làm đường, gặt lúa, dọn mương,… Đạt đã cùng các bạn đã chuẩn bị, lên kịch bản chương trình như: đóng kịch xây dựng các tình huống, tổ chức các trò chơi hỏi – đáp về các vấn đề luật pháp mà trong cuộc sống người dân thường gặp phải. Qua đó, các bạn sinh viên truyền tải những thông điệp, rút ra những bài học về Pháp luật. Đạt nói: “Vì dân trí còn kém, nên chúng mình không thể chỉ nói suông những điều luật mà Nhà nước đã quy định. Nên ngay từ chính những tiết mục biểu diễn kết hợp với giao lưu văn nghệ như vậy sẽ là những bài học trực quan sinh động, giúp cho người dân hiểu và nhớ được kiến thức pháp luật dễ hơn rất nhiều”.
Đạt chia sẻ thêm rằng, những chiến dịch tuyên truyền như vậy là một trong những hoạt động thường niên của Đoàn trường Đại học Luật HN. Là người học và tìm hiểu chuyên sâu về Luật pháp, đại diện cho những người hiểu biết pháp luật, việc giúp cho người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ nằm ở việc xây nhà dựng cửa, chu cấp các cơ sở vật chất, mà nó còn thể hiện ở chỗ mức độ nhận thức đời sống của họ ra sao.
Chính từ những mong muốn như vậy, Đạt xác định rõ ràng mục tiêu trong tương lai của mình sau khi hoàn thành bằng Cử nhân Luật, sẽ tiếp tục học làm Luật sư trong hai năm tới.